Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo quyết định thu hồi một số sản phẩm của Acecook Việt Nam vì chứa chất Ethylene Oxide.
Đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở Liên minh châu Âu (EU). Trong danh sách thu hồi có sản phẩm mì Hảo Hảo tôm chua cay (77g) và miến Good (56g,) là của Công ty Acecook Việt Nam. FSAI cho rằng, dù việc tiêu thụ sản phẩm bị nhiễm chất này không gây ra rủi ro cấp tính, nhưng dùng trong thời gian dài có thể gây ra vấn đề về sức khỏe.
Còn theo Tổ chức An toàn thực phẩm châu Âu (Safe Food Advocacy Europe), Ethylene oxide vốn là chất khử trùng dạng khí, phần lớn được sử dụng để khử trùng các vật liệu và dụng cụ trong phẫu thuật, thiết bị y tế. Sau đó, chất này được sử dụng trong sản xuất thực phẩm với mục đích khử khuẩn và hạn chế nguy cơ xuất hiện vi khuẩn Salmonella.
Etylen oxit cũng được sử dụng chủ yếu để sản xuất các hóa chất khác, bao gồm chất chống đông, bọt polyurethane, chất kết dính, tẩy rửa, hàng dệt may và dung môi. Với lượng nhỏ hơn, chất này được pha trong công thức thuốc trừ sâu và khử trùng. Khả năng phá hủy DNA của Ethylene oxide khiến nó trở thành chất khử trùng hiệu quả nhưng cũng là nguyên nhân có thể gây ung thư. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, dị tật di truyền, ảnh hưởng chu kỳ sinh sản của cả động vật. Vì vậy châu Âu xếp nó vào nhóm chất gây ung thư và độc hại loại 1B với sinh sản ở người.
Trước sự việc trên, Acecook Việt Nam đã có buổi họp báo để thông tin cho báo chí. Ông Kajiwara Junichi - Tổng Giám đốc Công ty Acecook Việt Nam cam kết sản phẩm bán ở Việt Nam đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Buổi họp báo chỉ diễn ra 10 phút và không có phần chất vấn của báo chí. Ban tổ chức có thể viện lý do họp nhanh như vậy là để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng rõ ràng những câu hỏi của báo chí đã không kịp được giải đáp.
Còn nhớ, hồi cuối năm ngoái, Cục An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) cũng đã phát hiện ra Benzo(a)pyrene có trong phở ăn liền, ngay lập tức sản phẩm bị thu hồi, đại diện Acecook Việt Nam cũng khẳng định sản phẩm lưu hành ở Việt Nam “đảm bảo an toàn”.
Thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), trong năm 2020, người Việt đã tiêu thụ trên 7 tỷ gói mì ăn liền (tăng 29,47% so với năm 2019), đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Indonesia. Tuy nhiên, Việt Nam lại có dân số ít hơn nhiều so với hai quốc gia trên. Vì vậy xét theo tỷ lệ bình quân đầu người, Việt Nam có thể đứng đầu thế giới về tiêu thụ mì ăn liền.
Ghi nhận thực tế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa truyền thống, mì ăn liền luôn ở trình trạng “cháy” hàng, thậm chí bị đẩy giá cao hơn nhiều so với bình thường, bởi đây là mặt hàng được người dân mua với số lượng lớn để tích trữ. Riêng mặt hàng mì Hảo Hảo tại một số địa phương trong vùng tâm dịch đã trở nên khan hiếm. Những thống kê trên làm không ít người giật mình, nếu sản phẩm lưu hành của trong nước từ lâu không được phát hiện (nếu có), và hậu quả sẽ khó lường.
Vẫn chưa thể khẳng định được sản phẩm mì ăn liền và các sản phẩm của Acecook Việt Nam nói riêng và các sản phẩm ăn liền của nhiều hãng khác nói chung đang lưu hành ở Việt Nam có được sử dụng chất cấm nào hay không. Vì thế rất cần câu trả lời sớm từ cơ quan chức năng về vấn đề này để người dân an tâm. Sức khoẻ người tiêu dùng phải được bảo vệ trước khi nghĩ đến việc bảo đảm lợi ích kinh tế chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp.