Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV bước vào các phiên chất vấn với các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xây dựng, nội vụ, thông tin và truyền thông, thanh tra. Đây là hoạt động Quốc hội được cử tri và nhân dân cả nước trông đợi và càng trông đợi hơn vào các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn sẽ đi thẳng vào vấn đề, trả lời thấu đáo, rõ ràng, đầy đủ các nội dung mà ĐBQH và cử tri quan tâm; cũng như có trách nhiệm với lời hứa trước dân.
Hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn trước Quốc hội đã thành thông lệ, nhưng bao giờ cũng thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Vì người dân muốn được nghe trực tiếp từ các vị ĐBQH - những người đại diện cho tâm tư, nguyện vọng, ý chí của mình sẽ hỏi gì, có đúng những vấn đề mình cũng như cộng đồng quan tâm hay không. Các vị đại biểu dân cử có truy vấn tiếp khi nhận được câu trả lời chưa thỏa đáng hay không.
Cùng đó, cử tri và nhân dân cũng mong chờ sự trả lời rõ ràng của người được chất vấn, cụ thể là các vị bộ trưởng, trưởng ngành.
Qua hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn, cử tri và nhân dân cũng sẽ hiểu về người đại diện cho mình cũng như những vị tư lệnh ngành.
Hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn trước Quốc hội lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Hơn 2 năm đại dịch Covid-19 tàn phá đã bào mòn sức khỏe nền kinh tế nói chung cũng như tài chính của nhiều gia đình. Thời kỳ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội sau Covid-19 tuy có nhiều thành tựu nhưng khó khăn cũng rất lớn. Trước mắt, lạm phát trên thế giới đang tác động mạnh tới Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 1/11, xăng dầu lại lên giá lần thứ 3 liên tiếp, ảnh hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân.
Cho dù lần chất vấn - trả lời chất vấn này không đề cập trực tiếp tới những vấn đề đó, an sinh bao giờ cũng là việc quan trọng và cũng không thể nói là các lĩnh vực không liên quan tới nhau. Đặc biệt với chất vấn Bộ trưởng Xây dựng và Bộ trưởng Nội vụ.
Với Bộ trưởng Xây dựng, thời gian qua việc “sốt” đất, giá nhà lên cao, quy hoạch treo, sử dụng nhà công vụ… sẽ là những vấn đề trọng tâm. Dù gần đây giá nhà đất có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng vẫn rất cao, với nhiều chỉ dấu cho thấy có tình trạng bắt tay “thổi giá”, “đánh sóng”, khiến giấc mơ có nhà ở của người làm công ăn lương ngày càng rời xa. Một phân tích cho rằng với mức giá hiện nay thì người lao động phải tích lũy 50 năm mới mua được nhà. Vậy, kế hoạch 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp sẽ triển khai thế nào, giá cả bao nhiêu, ai được mua… Đó đều là những câu hỏi rất cần lời giải đáp.
Cũng ở lĩnh vực này, một câu hỏi nữa đã được nêu lên từ lâu nhưng vẫn tồn đọng. Đó là vì sao nạn sốt đất, thiếu nhà ở cho người lao động ở nước ta không thể chấm dứt mà vẫn diễn biến rất phức tạp.
Với ngành Nội vụ, việc hàng chục nghìn cán bộ, viên chức, người lao động nghỉ việc, chuyển việc, thôi việc thời gian qua đã khiến xã hội vô cùng lo lắng. Nhất là trong Y tế và Giáo dục. Nói gì thì nói, làn sóng ấy là bất thường, mà nguyên nhân chính là vấn đề thu nhập từ lương quá thấp. Vậy làm gì để hóa giải nó, làm gì để giữ chân người có tâm, có tài? Vẫn biết là rất khó, không thể gỡ được trong một sớm một chiều nhưng người dân quan tâm nhất phải là có thái độ thẳng thắn, cầu thị, nhìn thẳng vào sự việc một cách không né tránh để từ đó mới có biện pháp đúng giải quyết.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ được dư luận đồng tình khi loại bỏ một số văn bằng, chứng chỉ rất hình thức trong việc tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm công chức, viên chức. Tuy nhiên, nạn dùng văn bằng “không trong sáng” để chiếm giữ vị trí, để “leo cao” thì vẫn rất nhức nhối. Vụ việc xảy ra ở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, nơi từng bị gọi là “lò ấp tiến sĩ” đã khiến nhiều vị lãnh đạo Viện này bị kỷ luật nặng, nhưng còn những người sử dụng bằng cấp có được ở “lò ấp” này sẽ bị xử lý ra sao lại vẫn là câu chuyện phía trước. Tương tự, vụ bằng giả ở Đại học Đông Đô mấy năm trước, một số đối tượng “bán bằng” đã bị truy tố, xét xử nhưng vẫn còn đó như một món nợ với xã hội là những kẻ “mua bằng”…
Nói như ĐBQH Tạ Văn Hiện (đoàn Quảng Nam) thì bộ trưởng phải có trách nhiệm với phần trả lời, với lời hứa của mình để thực hiện trước cử tri. Còn ĐBQH cũng cần tránh việc đặt vấn đề rồi buông xuôi để đấy, mà cần giám sát và theo dõi đến cùng việc thực hiện lời hứa trước dân của các vị tư lệnh ngành.