Trái cây lo ách tắc cuối năm

Lan Hương 08/12/2021 08:00

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự báo, trong quý I/2022, sản lượng trái cây tăng cao tuy nhiên, việc tiêu thụ trái cây có thể gặp phải một số khó khăn nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Đối mặt nhiều khó khăn

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, sản lượng trái cây năm 2021 các tỉnh phía Nam đạt hơn 7 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với 2020, tập trung ở những cây ăn quả chủ lực như: chuối, xoài, mít… Riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn; trong đó, thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn. Dự báo, trong quý I/2022, sản lượng trái cây phía Nam đạt khoảng 1,6 triệu tấn.

Mặc dù đạt sản lượng cao nhưng ông Tùng đưa ra dự báo, dịp Tết Nguyên đán cũng như đầu quý I/2022, việc xuất khẩu trái cây sẽ gặp những khó khăn nhất định nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng từ phía đối tác cũng sẽ tạo ra những khó khăn cho ngành rau quả.

Tại Diễn đàn trực tuyến “Kết nối cung cầu cây ăn trái” do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức mới đây, ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho hay, tiêu thụ nông sản của tỉnh đang gặp khó khăn dù đã huy động nhiều kênh từ truyền thống đến thương mại điện tử. Cụ thể, theo ông Huệ, dù doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, nông dân đầu tư rất nhiều vào các sản phẩm trái cây nhưng không bán được. Việc kết nối để hình thành hợp tác xã còn yếu, nguyên nhân do đầu ra kém, nông dân không hào hứng tham gia.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, dịch Covid -19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến quá trình xuất khẩu bị ách tắc, tăng trưởng chững lại so với trước đây. “Với ngành hàng rau quả, thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay vẫn là Trung Quốc, tuy nhiên, thông tin Hiệp hội có được, Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán 2022 sắp tới, điều này có thể gây nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm khó khăn nữa là do chưa thể chế biến sâu nên rau quả Việt Nam khó có thể phục vụ các thị trường có khoảng cách địa lý lớn bằng những hình thức vận chuyển giá rẻ” - ông Nguyên nói.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Theo Bộ NN&PTNT tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, bao gồm thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt. Hiện Việt Nam đang tích cực vận động phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để mở cửa thị trường sớm cho các mặt hàng nông, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, bưởi, chanh leo, thủy hải sản tươi sống, sản phẩm sữa các loại...

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ nút thắt để mở rộng thị trường rau quả, ông Nguyên cho rằng, ngành nông nghiệp và các địa phương cần lên phương án đẩy mạnh tỷ lệ tiêu thụ rau quả, nông sản nội địa trong thời gian tới. Về lâu dài, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu, chuyển giao thêm các loại giống cây ăn trái mới có chất lượng cao, dễ canh tác.

Đối với sản xuất, cần cân nhắc việc định hướng hạn chế sử dụng các vật tư có nguồn gốc vô cơ, khuyến khích người dân liên kết thành hợp tác xã, canh tác theo tiêu chuẩn GAP, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Song song đó, cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu vào những thị trường, còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng, xây dựng kế hoạch tiêu thụ cụ thể, kết nối doanh nghiệp thu mua trái cây; đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến, số hóa các loại nông sản để xây dựng kế hoạch tiêu thụ dài hơi trong nhiều năm…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trái cây lo ách tắc cuối năm