Tương tác với người máy thông minh, tạo năng lượng điện từ một số thức ăn thường ngày như củ khoai tây, lắp ráp mô hình xe ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời, lắp mạch điện thông minh; tham quan, theo dõi các thí nghiệm khoa học ấn tượng... là những hoạt động trải nghiệm thú vị dành học sinh tham gia Ngày hội STEM 2017.
Học sinh hào hứng tham gia ngày hội.
Ngày hội được diễn ra hôm qua (ngày 14/5), tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Với chủ đề về năng lượng xanh và phát triển bền vững: “Future Planet – Hành tinh tương lai”, Ngày hội STEM lần thứ 3 tại Hà Nội đã có những hoạt động thực nghiệm khoa học vô cùng bổ ích dành cho lứa tuổi từ 4 đến 18 tuổi.
Đến với Ngày hội, các em học sinh đã được học những kiến thức toán học, vật lý, hoá học, công nghệ... thông qua các trò chơi thú vị như làm xe ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời, thiết kế và điều khiển robot, làm nước kỳ diệu đổi màu... Nhiều học sinh và phụ huynh ở các tỉnh Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bắc Giang, Ninh Bình.. cũng đến tham quan, học hỏi tại ngày hội.
Theo ông Đặng Văn Sơn, Học viện Sáng tạo S3, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội chia sẻ: Ngày hội STEM được thực hiện trong khuôn khổ Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ 3 năm trở lại đây, theo sáng kiến của Tạp chí Tia Sáng và cộng đồng giáo dục STEM, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngày hội giúp các em học sinh có được một sân chơi trải nghiệm mà ở trường, lớp các em chưa được thực hiện bao giờ. Ví dụ như lắp một chiếc xe ô tô chạy bằng pin mặt trời, được tìm hiểu pin năng lượng mặt trời hoạt động như thế nào? Làm sao để rô bốt đi trên một đường thẳng…
Song song với các hoạt động dành cho học sinh là hoạt động dành cho phụ huynh và giáo viên bao gồm: Bài giảng đại chúng (các nhà khoa học sẽ nói chuyện về các vấn đề đang được họ nghiên cứu như: Kháng thuốc kháng sinh, cúm gia cầm, công nghệ Nano, năng lượng tái tạo…); Hội thảo cho giáo viên và cha mẹ học sinh, do các nhà giáo dục của các trung tâm giáo dục STEM chủ trì, hướng dẫn phụ huynh đến với giáo dục STEM, hướng dẫn giáo viên thực hiện các bài dạy định hướng STEM.
Sau 3 năm tổ chức Ngày hội STEM chỉ dành cho học sinh tiểu học và THCS, đây cũng là năm đầu tiên có các hoạt động dành riêng cho học sinh THPT như: tương tác với người máy thông minh NAO; tìm hiểu và lái thử xe thám hiểm sao Hỏa; làm một số thí nghiệm vật lý, hóa học, sinh học; thử sức giải đáp kiến thức liên quan đến năng lượng tái tạo, phát triển bền vững bằng tiếng Anh…
Tại Ngày hội STEM, các em học sinh đã vô cùng thích thú khi được ngắm nhìn rô bốt biểu diễn ca nhạc, được cùng anh chị lớp lớn trình diễn khoa học…
Em Nguyễn Tấn Dũng, học sinh lớp 8, trường THCS Trưng Vương chia sẻ: Năm 2016, em mới chỉ được tham gia ngày hội với tư cách “quan sát viên”, nhưng năm 2017 em cùng các bạn đã được thầy cô hướng dẫn mở gian hàng ở ngày hội để thiết kế và trình diễn các thí nghiệm khoa học.
Gian hàng của Dũng và các bạn ở ngày hội là gian hàng biểu diễn thí nghiệm với đá khô. Lúc nào gian hàng cũng thu hút rất đông các em học sinh tiểu học đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm làm khoa học.
Qua ngày hội STEM 2017, những người làm chương trình mong muốn đem đến cho các em học sinh thông điệp: Giáo dục STEM không quá ghê gớm và quá xa vời như mọi người nghĩ. Từ những hoạt động trải nghiệm thực tế, Ngày hội sẽ đem đến cho các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh cái nhìn mới về giáo dục STEM. Giáo dục STEM hoàn toàn có thể thực hiện được ở tất cả các nhà trường, ngay cả những trường phổ thông bình thường chứ không phải chỉ các trường chuyên.
Các em có thể học thông qua rất nhiều hoạt động trong cuộc sống, học dựa vào những kiến thức xung quanh cuộc sống, chứ không quá nhiều lý thuyết như cách dạy lâu nay. Ví dụ ngày xưa chúng ta học về đòn bẩy, nhưng khi hỏi đòn bẩy ở đâu trên chiếc xe đạp thì không biết. Giáo dục STEM sẽ lấy cái xe đạp ra để dạy, lấy kiến thức khoa học công nghệ để dạy… mà không đi từ những thứ khô khan, lý thuyết quá.