Cùng tham gia vào quá trình hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tổ chức các chương trình một ngày trải nghiệm làm học viên của trường, thu hút rất đông học sinh tham gia.
Hướng nghiệp thực chất
Hơn 90 học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa được trực tiếp trải nghiệm một ngày làm học viên tại Trường cao đẳng (CĐ) Du lịch Vũng Tàu. Theo đó, các em được thực hành một phần công việc thực tế của một đầu bếp, hướng dẫn viên du lịch, người pha chế, kế toán hay quản trị khách sạn.
Những tiếng ồ đầy ngạc nhiên, ngưỡng mộ của học sinh khi được chứng kiến màn tung hứng điêu luyện của bartender (người pha chế đồ uống theo yêu cầu của khách hàng) vang lên không dứt. Không chỉ được mắt thấy tai nghe các thầy cô giới thiệu những trang thiết bị cùng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy tại trường, các em còn được hướng dẫn thực hành một số công thức pha chế đồ uống đơn giản nhưng cũng đầy hấp dẫn ở cả hương vị, màu sắc và bố cục trình bày…
Trải nghiệm công việc của nhân viên khách sạn khi tự tay gấp chăn nệm, kiểm tra kỹ càng mọi vật dụng, điều kiện trong phòng hay tự tay gấp khăn, trang trí bàn tiệc cần chỉn chu, kỹ càng ra sao cũng khiến nhiều học sinh cảm thấy căng thẳng như mình đang trực tiếp chuẩn bị cho một sự kiện lớn sắp diễn ra. Em Phạm Thị Thanh Hòa - học sinh lớp 12A6, Trường THPT Võ Thị Sáu chia sẻ: “Lần đầu tiên em được trực tiếp làm những công việc mà trước đấy chỉ hình dung trong tưởng tượng, hóa ra khó hơn nhiều nhưng cũng rất sinh động, giúp em có cái nhìn trực quan hơn nếu muốn theo đuổi công việc này trong tương lai”.
Trên thực tế, việc tổ chức các tour trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh phổ thông ngay khi bắt đầu năm học mới đã và đang được nhiều cơ sở GDNN quan tâm. Đặc biệt, vào các thời điểm học sinh chuẩn bị tốt nghiệp THCS, THPT thì hoạt động này càng được đẩy mạnh cũng là một hình thức tuyên truyền, giới thiệu với xã hội và người học về nhà trường.
Trường phổ thông CĐ FPT Polytechnic Thái Nguyên là đơn vị đã tổ chức thành công hoạt động Trải nghiệm “Một ngày là sinh viên” dành cho các bạn học sinh sau lớp 9. Tại đây, các bạn học sinh được lắng nghe những chia sẻ từ các thầy, cô giáo về định hướng nghề nghiệp, những kỹ năng cần có để theo đuổi ngành nghề. Qua đó, các bạn học sinh, các bậc phụ huynh thêm hiểu biết rõ hơn về các ngành học mà nhà trường đang đào tạo như Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Marketing, Quản trị khách sạn.
Được trực tiếp lắng nghe chia sẻ của các giảng viên của nhà trường về từng ngành nghề mà học sinh quan tâm, học sinh còn được ban tổ chức đưa tới phòng triển lãm và khu vực trưng bày các sản phẩm đồ họa do sinh viên tạo ra. Những sản phẩm đồ họa đó là những thiết kế bao bì, tạp chí, tranh ảnh… vô cùng thu hút. Không gian học của ngành Quản trị khách sạn khiến nhiều bạn cảm thấy thích thú với các dụng cụ pha chế độc lạ…
Định hướng sớm để người học rộng cửa chọn nghề
Đây cũng là mục tiêu chung của những buổi tư vấn, hướng nghiệp dành cho học sinh từ các cơ sở GDNN hiện nay. Thay vì chỉ chia sẻ một cách chung chung về công việc, hướng đi sau này nếu theo học ngành A, ngành B, học sinh được hình dung cụ thể công việc mình sẽ theo đuổi nếu chọn ngành học này. Đặc biệt, với nhiều ngành quen mà lạ như thiết kế đồ họa, để người học có cái nhìn chân thực và khách quan thì không chỉ nói lý thuyết mà chính các sản phẩm cụ thể của các thế hệ sinh viên đi trước sẽ là minh chứng thuyết phục nhất để các em hiểu cần phải làm gì, nỗ lực trau dồi ra sao để có được những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, thị trường.
Theo nhiều chuyên gia, cách truyền thống là học hết THPT thì vào đại học, nếu không đậu đại học sẽ vào CĐ hoặc trung cấp. Nhưng chuyện định hướng nghề nghiệp từ lợi thế ngành nghề hay thế mạnh, sở trường của con trẻ hầu như chưa được làm tốt. Việc trải nghiệm trực quan sinh động tại một ngôi trường cụ thể với một ngành nghề cụ thể các em mong muốn được tìm hiểu giúp cho mỗi học sinh sẽ có được định hướng rõ ràng hơn về đường đi của bản thân. Việc được trực tiếp trải nghiệm một công việc chính là chìa khóa giúp các em chuẩn bị tốt nghiệp THCS hay THPT có được lựa chọn đúng đắn trên cơ sở hiểu mình, hiểu nghề.
Điều này sẽ giúp hành trình chọn nghề của mỗi người bớt khó khăn và bớt mắc phải sai lầm hơn, rút ngắn thời gian đi tới thành công. Như chia sẻ của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tùng và chị Nguyễn Thị Trúc Ly (đều sinh năm 1987) hiện đang là học viên lớp chế biến món ăn ở Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật trung ương cho thấy, nếu được định hướng nghề nghiệp chính xác thì sẽ đỡ rất nhiều thời gian phải đi đường vòng. Cùng quê tỉnh Đồng Tháp, học xong ĐH Đồng Tháp, anh Tùng và chị Ly cùng về công tác ở UBND xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Tới năm 2018, anh chị xin nghỉ việc, cất bằng ĐH để đi làm công nhân tại Công ty Khải Hoàn (ấp cầu sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Đồng Tháp). Sau khi suy nghĩ, trăn trở về định hướng công việc, anh Tùng và chị Ly đã nghỉ làm công nhân, hiện đang tham gia học nghề chế biến món ăn. Quyết định được coi là dũng cảm này của anh Tùng, chị Ly cũng là kinh nghiệm cho nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời.