Trái phiếu bất động sản đang được mua bán dễ dãi trên mạng xã hội thông qua các kênh như công ty chứng khoán, môi giới. Trong vòng xoáy gia tăng giao dịch trực tuyến do ảnh hưởng dịch covid-19, hiện tượng “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” càng dễ bị lạm dụng, biến tướng, nở rộ.
Theo quy định, người mua trái phiếu là người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, người có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng…(gọi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp). Tuy nhiên, một số ngân hàng, công ty chứng khoán lại “lách luật”, đưa người dân vào những thương vụ mua bán đầy rủi ro.
Chợ tài chính cao cấp thành “chợ trời”
Nghị định 153/2020/NĐ-CP (Nghị định 153) quy định, trái phiếu riêng lẻ chỉ được chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo Điều 11, Luật Chứng khoán 2019, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán, bao gồm cả tổ chức và nhà đầu tư là cá nhân. Đối với nhà đầu tư cá nhân, người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng; cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng. Từ quy định này, mua bán trái phiếu doanh nghiệp vốn được xem là sân chơi tài chính chuyên nghiệp, cao cấp, hạng sang.
Tuy vậy, thời gian qua, trên các trang mạng xã hội, người mua dễ dàng tìm kiếm được các nhóm (group) mua bán trái phiếu doanh nghiệp (gọi tắt là TPDN), với những hình thức mua bán kiểu “chợ trời” vô tình làm kênh mua bán trái phiếu trở nên dễ dãi. Khi truy cập nhóm “Cộng đồng trái phiếu doanh nghiệp”, chúng tôi thấy choáng ngợp bởi ở đây có gần như đầy đủ mọi thông tin về các TPDN đang “hot” trên thị trường.
Một tài khoản đăng lời mời gọi đặt mua trái phiếu Tập đoàn T.H.M. với kỳ hạn đầu tư linh hoạt 1 tháng, 2 tháng… 1 năm, kèm lãi suất linh hoạt tương ứng 6,8%/tháng, 11,5%/năm. Tương tự, có rất nhiều quảng cáo chào bán TPDN khác với lãi suất hấp dẫn, dao động từ 10-12%/năm, có thể kể tên như trái phiếu DIC Corp (DIG), Việt Vương, Helios (thành viên Tập đoàn BCG)…
Trong vai khách hàng cá nhân có nhu cầu mua TPDN, phóng viên liên hệ với một số điện thoại 0976456… lập tức được tư vấn nhiệt tình về cách thức để mua TPDN. Người bán giới thiệu là nhân viên của một ngân hàng, tư vấn mua trái phiếu của doanh nghiệp như: Đất Việt, BECAMEX…
Người bán tư vấn thêm: “Bên em có các loại trái phiếu mà chỉ cần 100 triệu đồng là mua được. Quy trình rất đơn giản, em sẽ soạn sẵn hợp đồng trái phiếu và số tiền anh muốn mua. Anh chuyển tiền vào tài khoản trong hợp đồng và tiến hành ký kết là xong. Hoặc anh cũng có thể tạo tài khoản bên ngân hàng, chuyển tiền vào, cài app, trên hệ thống của app sẽ có danh mục trái phiếu của doanh nghiệp để anh chọn mua”.
Chúng tôi cũng thử liên hệ thêm một số ngân hàng, các công ty chứng khoán đều cho biết, chỉ với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên, bất kỳ nhà đầu tư cá nhân nào cũng đều có thể mua TPDN phát hành riêng lẻ. Điều đáng nói, theo quy định muốn mua TPDN, người mua bắt buộc phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nhưng các nhân viên tư vấn đều cho biết sẽ “có cách” để chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp cho khách hàng.
Anh Hoàng Nam, một nhà đầu tư cá nhân cho biết, thông qua một nhóm trên zalo, anh được nhân viên của một công ty chứng khoán mời chào mua TPDN bất động sản với lãi suất 14%/năm, nhưng không có tài sản đảm bảo. “Khi tôi cho biết mình không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhân viên tư vấn hứa sẽ hỗ trợ miễn phí giúp giấy chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp”, anh Nam kể.
Bộ Tài chính “tuýt còi”
Bộ Tài chính đã có văn bản cảnh báo về việc hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trong đó, cảnh báo mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Bộ Tài chính đã nắm bắt được hiện tượng tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp không đúng đối tượng cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra việc cung cấp dịch vụ về trái phiếu của các tổ chức cung cấp dịch vụ để xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
“Lách luật”, mua bán thứ cấp và rủi ro
Hiện mua bán TPDN riêng lẻ đang hoạt động dưới sự nắn chỉnh và kiểm soát của Nghị định 153. Thế nhưng, công ty chứng khoán và ngân hàng lại “lách luật” để trong chốc lát biến một cá nhân nhỏ lẻ thành “Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”. Hình thức thường được sử dụng đó là công ty chứng khoán sẽ cho người dân cần mua trái phiếu vay một khối lượng chứng khoán có giá trị 2 tỷ đồng. Ngay lập tức công ty chứng khoán sẽ chuyển vào tài khoản chứng khoán của người vay 2 tỷ đồng và khách hàng “tay không bắt giặc” sẽ trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để đủ điều kiện để mua TPDN.
Ngoài việc nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tham gia mua bán trái phiếu do được “lách luật”, thị trường này còn xuất hiện mua bán TPDN riêng lẻ trao tay trên thị trường thứ cấp. Đáng báo động là hình thức này ngày càng được ưa chuộng trong mùa dịch Covid-19.
Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Trường Giang (chuyên gia trái phiếu của một công ty chứng khoán) cho biết: Tổng giá trị giao dịch TPDN trong quý 2/2021 đạt mức 15,533.64 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với quý trước. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 253,7 tỷ đồng/phiên, tăng 94,6% so với quý trước. Giá trị giao dịch bình quân trong vòng 12 tháng qua là 3.297 tỷ đồng/tháng. Có thể nhận thấy, giao dịch TPDN thứ cấp ngày càng sôi động hơn.
“Có 2 lý do để nhà đầu tư cá nhân tham gia vào giao dịch TPDN thứ cấp. Thứ nhất, lãi suất mua TPDN chênh lệch 4-5%/năm so với gửi ngân hàng khiến họ gia nhập thị trường ngày một tăng. Thứ hai, các nền tảng trực tuyến của các đơn vị phân phối phát triển khiến cho việc giao dịch thứ cấp trở nên cực kỳ dễ dàng với nhà đầu tư cá nhân”, ông Giang lý giải.
Cũng theo ông Giang, trái phiếu càng có thanh khoản thì lại càng trở thành kênh đầu tư được ưa chuộng. Tuy nhiên, rủi ro với thị trường trái phiếu cũng đang tăng dần lên. Dù Điểm d, Khoản 2, Điều 12, Nghị định 153 đã quy định báo cáo tài chính được kiểm toán năm liền trước của tổ chức phát hành là hồ sơ bắt buộc trong hồ sơ chào bán. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy khi tiếp xúc với các môi giới trái phiếu tại các công ty chứng khoán, họ thường không công bố thông tin này cho nhà đầu tư trái phiếu. Khi được hỏi thì các đại lý tư vấn là các công ty chứng khoán không hề có ý định công bố cho khách hàng, thậm chí còn yêu cầu phải ký cam kết bảo mật thông tin và phải đến gặp trực tiếp để được cho xem bản cứng. Thay vào đó, các đơn vị tư vấn trung gian thường sử dụng mức lãi suất cao để câu kéo khách.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á cho rằng: Việc thị trường TPDN có xuất hiện hiện tượng “lách luật” để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và việc mua bán TPDN trao tay trên thị trường thứ cấp tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. “Các nhà đầu tư cần trang bị kiến thức để có khả năng đánh giá rủi ro và mức sinh lời rồi hãy đưa ra quyết định đầu tư hợp lý hoặc tìm đến các đơn vị trung gian uy tín để được tư vấn”, ông Tuấn khuyến cáo.
Bài 2: Rủi ro chực chờ.