Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã mở đường cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trở nên dễ dàng hơn với tổ chức phát hành trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc nới lỏng nhưng chưa kèm thiết lập về xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu phát hành riêng lẻ khiến thị trường trái phiếu thiếu minh bạch, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.
Tưởng siết mà vẫn lỏng
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, hiện nay thị trường TPDN có rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và đến từ mọi phía, đặc biệt là đối với các trái phiếu có lãi suất cao. Dù lãi suất cao có lợi cho nhà đầu tư, nhưng chính nó là cái “bẫy” về thanh khoản.
“Nhà đầu tư nhận món hời từ trái phiếu do lãi suất cao cho tới chừng nào doanh nghiệp (DN) phát hành còn trả được lãi. Còn đến lúc vì lãi cao mà DN phát hành trái phiếu không trả nổi cho nhà đầu tư thì lúc này lãi suất cao lại chính là con dao 2 lưỡi, thiệt hại cho họ. Trường hợp xấu nhất DN phát hành trái phiếu phá sản, hậu quả là các nhà đầu tư sẽ bị mất vốn, mất tiền” – ông Hiếu nhận định.
Cũng theo ông Hiếu, trên thị trường có trường hợp một số tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian chào mời và phân phối TPDN riêng lẻ tới các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Có rất nhiều DN phát hành trái phiếu tình hình tài chính không ổn định nhưng lại thông qua ngân hàng và được ngân hàng hỗ trợ. Điều này khiến rất nhiều nhà đầu tư nhầm tưởng khi ngân hàng hỗ trợ thì đồng nghĩa ngân hàng đã thực hiện tất cả các vấn đề về thẩm định đảm bảo an toàn. Nhưng đây hoàn toàn là sai lầm.
“Rất nhiều TPDN hiện nay có ngân hàng hỗ trợ phát hành nhưng thực tế ngân hàng chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật (nộp hồ sơ, nộp đơn, in ấn trái phiếu, rồi dùng hệ thống phòng giao dịch để bán trái phiếu) với mục đích có hoa hồng. Trường hợp trái phiếu đó không được bảo lãnh thì ngân hàng hoàn toàn không có trách nhiệm gì khi mà DN phát hành không có khả năng trả nợ” - TS Hiếu cảnh báo.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP HCM đánh giá, đối với các trái phiếu không có đảm bảo, các DN phát hành TPDN riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Do vậy, rủi ro của người mua TPDN phụ thuộc nhiều vào khả năng trả nợ của DN. Trường hợp DN phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao nhưng tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn do chính kế hoạch của DN không khả thi, do tình hình thị trường… thì rủi ro cho nhà đầu tư càng lớn.
Theo Luật sư Phượng, Nghị định 163/2018/NĐ-CP không có quy định về điều kiện nhà đầu tư mua trái phiếu, ai có đủ năng lực thì mua trái phiếu. Tuy nhiên, đến Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định có sự thay đổi khác hẳn, người mua TPDN phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, mục đích chính bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, chưa có kỹ năng phân tích, đánh giá rủi ro và thiếu kinh nghiệm trong đầu tư.
Cần thanh, kiểm tra
Theo luật sư Trần Đức Phượng, hiện nay, mặc dù có quy định về việc báo cáo kết quả đợt chào bán trái phiếu tới cơ quan quản lý nhưng chỉ khi kiểm tra chi tiết giấy tờ và các giao dịch này mới có thể phát hiện ra những sai phạm. Trong khi đó, thông tin thanh kiểm tra và xử lý hiện nay về lĩnh vực phát hành trái phiếu chưa thấy được công bố. Ngoài ra, tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 12 của Nghị định 153 có quy định “Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có)”, đây là một quy định không bắt buộc nên người mua trái phiếu sẽ tiếp tục đánh đố với những thông tin bị hạn chế như hiện nay.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, quy định với 2 chữ “nếu có” sẽ dẫn tới việc DN nào không có thì không phải xếp hạng tín nhiệm. Quy định như thế rõ ràng nói DN có tình hình không tốt thì càng không thực hiện. “Bộ Tài chính không nên xem xếp hạng tín nhiệm là mới mẻ nữa, thực ra trên thế giới hoạt động xếp hạng tín nhiệm đã có từ lâu, Việt Nam thực tế cũng đã biết, cho nên phải thực hiện. Không nên lỏng lẻo như trong Nghị định 153”, TS Hiếu nêu quan điểm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, để đảm bảo minh bạch thông tin và góp phần bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu cần phải có tổ chức tương tự như Fitch Ratings (một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế) để đánh giá, xếp hạng tín nhiệm DN, trong đó có DN phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là chưa có các tổ chức tư vấn uy tín đủ để đánh giá.
Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, để thị trường TPDN phát triển lành mạnh, bền vững, các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường cần tuân thủ nghiêm túc các quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Nghị định 155 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể ở đây là Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
“Ủy ban chứng khoán Nhà nước phải là chốt chặn để kiểm soát các DN phát hành trái phiếu. Tất cả những TPDN phát hành riêng lẻ, hay phát hành ra đại chúng đều phải qua đây. Những DN nào không đủ điều kiện thì không cho qua. Hiện nay, DN phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ mới dừng lại ở việc nộp hồ sơ qua đơn vị này chứ không có những quy định chặt chẽ”, TS.Hiếu nói.
Theo các chuyên gia tài chính, nhà đầu tư cần phải chuẩn bị bộ kỹ năng tự thẩm định, kiểm tra, đánh giá, phân tích được những rủi ro của trái phiếu mình xem xét đầu tư. Khi thực sự là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì các tổ chức phát hành hay đơn vị tư vấn cũng sẽ buộc phải minh bạch.