Theo chỉ tiêu trong năm 2022, Việt Nam sẽ đón 5 triệu khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, đến nay dù đã đi được hơn nửa “chặng đường” nhưng các con số thống kê đang bộc lộ rõ những khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu này. Ngành du lịch đang đứng trước những thách thức không nhỏ.
Tìm cơ hội bứt tốc
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 602 nghìn lượt, tăng 582,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu trên so với chỉ tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 có thể nói vẫn là một hành trình dài, đầy khó khăn.
Dù chưa đạt như những kỳ vọng nhưng ngành du lịch không hẳn phải “bi quan” khi các số liệu thống kê trong những tháng gần đây đang cho thấy thị trường khách quốc tế đang nóng dần lên.
Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 tăng gấp đôi so với tháng 4; tháng 6 tăng gấp 4 lần so với tháng 5.
Theo thông lệ, thời gian cao điểm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Ngoài ra, một tín hiệu tích cực của ngành du lịch đó là trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có liên quan đến lĩnh vực du lịch gia tăng ấn tượng.
Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 doanh nghiệp, tăng 27,7%; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 doanh nghiệp, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2021. Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao.
Để tìm cơ hội cho du lịch Việt Nam “bứt tốc” và về đích như chỉ tiêu đề ra, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trước mắt cần khai thác tốt các thị trường đã kết nối lại hàng không như Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Australia, ASEAN; chuyển hướng khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng: Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông.
Tổng cục Du lịch sẽ kết nối, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hãng hàng không và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch triển khai Chương trình “Live fully in Vietnam” theo 5 nội dung cụ thể.
Trong đó, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Tây Âu, Australia và New Zeland; tham gia tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam và các hoạt động xúc tiến tại hội chợ du lịch JATA (tại Nhật Bản vào tháng 9) và Hội chợ WTM (tại London vào tháng 11); phối hợp với các hãng hàng không triển khai các gói kích cầu, áp dụng cho các đường bay để cùng thu hút nhanh khách vào Việt Nam; tổ chức chương trình khảo sát tại Việt Nam cho hãng lữ hành, báo chí từ châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ; phát huy vai trò Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ kết nối lại doanh nghiệp du lịch Việt Nam với các đối tác nước ngoài sau khi bị gián đoạn bởi Covid-19; đẩy mạnh hoạt động marketing, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.
Thay đổi “chiến thuật”
Thực tế cho thấy, sau khi mở cửa trở lại ngày 15/3, du lịch Việt Nam đã bước qua giai đoạn phục hồi và đang dần chuyển sang bước tăng tốc hướng các thị trường khách quốc tế. ở đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành và chuyên gia đều cho rằng, không nên chú trọng nhiều vào việc đặt mục tiêu số lượng khách đến Việt Nam như lâu nay mà cần thay đổi trong cách thống kê và các mục tiêu đặt ra mỗi năm.
Lượng khách hàng năm chỉ là con số để tham khảo, còn doanh thu mới cần được tính toán và đánh giá kỹ lưỡng để xác định rõ vai trò, đóng góp của du lịch vào nền kinh tế.
Mới đây chuyên gia người Tây Ban Nha Juan Carlos Belloso đã tiến hành khảo sát đánh giá thương hiệu du lịch Việt Nam “Vẻ đẹp bất tận”, ông Belloso cho rằng việc cần làm trước mắt của du lịch Việt Nam đó thay đổi thương hiệu.
Bởi mặc dù được sử dụng chục năm nay để quảng bá du lịch, tuy nhiên các khảo sát và nghiên cứu cho thấy nhiều bên liên quan và người dân địa phương không xác định và không gắn bó với thương hiệu “Vẻ đẹp bất tận”. Thương hiệu này chưa được quảng bá đầy đủ và điểm đến không được tiếp thị tốt trên thị trường quốc tế.
Cần tạo ra cái gì đó hấp dẫn hơn, rõ ràng hơn và có trọng tâm hơn, dựa trên những đặc điểm và tài sản du lịch độc đáo của Việt Nam; cần tạo ra sự phù hợp giữa các xu hướng đang nổi lên và những thay đổi tiềm năng trong du lịch và hành vi du lịch do hậu quả của đại dịch.
“Thay đổi thương hiệu du lịch không phải việc của doanh nghiệp, địa phương mà phải là trách nhiệm của Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL). Thương hiệu điểm đến mới phải nhấn mạnh vào đặc điểm “chỉ một số ít các điểm đến giống Việt Nam có khả năng cung cấp” - chuyên gia người Tây Ban Nha nói.
Còn theo Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính đánh giá, trong bối cảnh những thị trường lớn chưa có khả năng quay lại trong năm nay, Việt Nam có thể cân nhắc coi đây là cơ hội để thay đổi cơ cấu thị trường. Cần phục hồi cả thị trường quốc tế và nội địa, đồng thời phải có kế hoạch tổng thể. Với du lịch quốc tế, cần có các chuyên gia nghiên cứu và đưa ra giải pháp, kế hoạch cho phù hợp.
Hiện tại, với sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, TAB đang triển khai dự án xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch. Dự kiến, nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia dự án sẽ hoàn tất kế hoạch này, trình Bộ VHTTDL vào tháng 9.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình:
Gỡ bỏ rào cản visa
Con số khách quốc tế thời gian qua đến Việt Nam dù chưa nhiều nhưng ngành du lịch vẫn đang còn giai đoạn cuối năm, nếu làm tốt và lượng khách bùng nổ thì chỉ cần trong 1 tháng có thể đạt 5 triệu lượt khách. Và, quan trọng nhất không phải số lượng mà khách chi tiêu bao nhiêu khi tới Việt Nam và doanh thu của ngành du lịch đạt bao nhiêu?
Thực tế, không chỉ lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế mà tình hình này cũng tương tự ở nhiều nước do tác động nặng nề của dịch Covid-19. Chính sách khuyến khích đi du lịch để kích cầu kinh tế nhưng lại phải bảo đảm phòng, chống dịch là không đồng bộ ở nhiều nước, khiến lượng khách đi du lịch quốc tế chưa cao.
Ngoài ra, một trong những rào cản khiến khách quốc tế chưa vào Việt Nam là yếu tố về visa chưa thật sự cởi mở, thông thoáng. Đặc biệt, chính sách miễn visa chỉ 15 ngày như đang áp dụng thì rất khó để khách có thể vào và ở lâu, chi tiêu nhiều. Do đó cần tiếp tục cải thiện chính sách visa.
Chủ tịch Lux Group Phạm Hà:
Cần có hình thức quảng bá phù hợp
Để thu hút khách quốc tế, Việt Nam nên đa dạng hóa thị trường mục tiêu, đặt khách hàng làm trung tâm để có sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu và thỏa mãn họ.
Du khách cần những hình ảnh, video cập nhật về điểm đến hấp dẫn của Việt Nam sau dịch Covid-19. Đưa những video đó đến đối tác nước ngoài. Khi Việt Nam đáp ứng đúng kỳ vọng thì du khách sẽ tìm đến.
Khi thu hút được khách rồi thì cần phải có các dịch vụ tốt để khách chi tiêu nhiều hơn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, dòng khách quốc tế cao cấp cần được đặc biệt chú trọng.
Đón dòng khách cao cấp là cách để ngành du lịch Việt Nam không ngừng nâng cấp, tạo ra những dịch vụ du lịch đẳng cấp vừa để cạnh tranh với thế giới, vừa tạo sản phẩm phục vụ khách cao cấp ở trong nước.
Hoàng Minh(ghi)