Tràm Chim đẹp nhất là khi hoàng hôn buông xuống. Mặt trời như một quả cầu tráng ánh bạc với những vầng hào quang rực rỡ bao quanh từ từ chìm xuống phía đường chân trời.
Người ta nói rằng, Tràm Chim đẹp nhất là khi hoàng hôn buông xuống. Mặt trời như một quả cầu tráng ánh bạc với những vầng hào quang rực rỡ bao quanh từ từ chìm xuống phía đường chân trời. Cả một vùng sông nước chợt hồng lên, rạng ngời. Ráng chiều hắt lên mặt nước những mảng màu huyền ảo như một tuyệt phẩm của thiên nhiên.
Năm 1986, loài sếu đầu đỏ được tái phát hiện ở Tràm Chim.
Năm 1991, Tràm Chim trở thành Khu Bảo tồn thiên nhiên Tràm Chim (cấp tỉnh), nhằm bảo tồn loài sếu đầu đỏ. Năm 1994, nơi đây trở thành Khu Bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia, với diện tích 7.500 ha.
Năm 1998, trở thành Vườn quốc gia Tràm Chim.
Ngày 22/5/2012, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar của thế giới. Đây là khu Ramsar 4 của Việt Nam và là khu Ramsar 2.000 của thế giới. Tràm Chim có nghĩa vụ bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là loài sếu; bảo tồn các loài động - thực vật bản địa, các nguồn gene quý hiếm, và duy trì những điều kiện thích hợp cho việc nghiên cứu môi trường tự nhiên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Tràm Chim có hệ sinh thái rất đặc biệt. Vườn quốc gia Tràm Chim, có diện tích 7.588 ha, thuộc huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp. Đây là nơi cư trú của trên 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước. Trong đó, có 13 loài chim quý hiếm của thế giới. Đặc biệt là một loài chim hạc còn gọi là sếu đầu đỏ. Ở đây cũng có 130 loài thực vật, phân bố đơn thuần cũng như xen kẽ với nhau tạo thành những quần xã thực vật đặc trưng.
Đáng chú ý, đó là hệ sinh thái rừng tràm, với diện tích khoảng 2.968 ha. Đây cũng được coi là “quê hương” của cây tràm, loài cây phổ biến và thân quen với người dân miền Tây Nam bộ. Trong rừng tràm có nhiều luồng rạch nhỏ, nhiều loại thủy sinh, và cũng là nơi trú ngụ của những bầy ong rất lớn.
Vườn quốc gia Tràm Chim cũng nổi bật bởi những cánh đồng cỏ ngập nước theo mùa, là một trong những hệ sinh thái khá phổ biến trong khu vực. Những loài thực vật phát triển với mật độ cao đã thành những đồng cỏ đơn thuần, trong khi đó có những loài cùng phát triển chung với các loài thực vật khác đã tạo nên những quần xã hoặc hội đoàn thực vật tiêu biểu của vùng đất ngập nước.
Trong đó, loài cỏ năng chiếm diện tích khoảng 2.968 ha, tạo thành một trong những thảm cỏ rộng lớn; là bãi ăn của loài chim sếu, cò trắng, cò bợ, trích cồ, trích đất, vịt trời, le khoang cổ, diệc lửa, diệc xám, cò lửa, cò lép.
Cùng với đồng cỏ năng là đồng cỏ ống, diện tích hơn 958ha, cũng là bãi ăn của các loài công đất, chiền chiện, sơn ca, sẻ bụi, cú, giang sen, già đãy, chích đầm lầy.
Nhưng hai “đặc sản” ở Tràm Chim chính là “đồng lúa ma”, hay còn gọi là “lúa trời” và sếu đầu đỏ.
Đồng lúa ma phân bố khá rộng, chiếm diện tích khoảng 824 ha. Tuy nhiên, cánh đồng lúa ma như ta biết hiện nay chỉ vào khoảng 33 ha. Diện tích lớn còn lại có sự hiện diện của lúa ma là sự kết hợp với những loài thực vật khác tạo thành những quần xã thực vật đặc trưng cho vùng đất ngập nước: lúa ma - cỏ ống. Sinh cảnh của đồng lúa ma có tính đa dạng sinh học rất cao.
“Lúa ma” được xác định là giống lúa dại bản địa của Việt Nam. Chúng mọc hoang, không được quy hoạch vùng trồng bài bản nhưng lại chứa rất nhiều gene quý hiếm không tìm thấy ở các giống lúa khác. Ngày nay, muốn nhân giống lúa lai với các đặc tính chống biến đổi khí hậu, các nhà khoa học buộc phải lấy gene từ cấy lúa dại này.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoan - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa thì sở dĩ dân gian gọi là “lúa ma” vì hạt lúa có đuôi rất dài, lặn ngụp hầu như ở khắp nơi trong vùng Tràm Chim. Chúng sẵn sàng vươn lên khỏi mặt nước, nước dâng tới đâu, lúa cao tới đó. Chúng còn có khả năng tồn tại được cả trên dòng nước lũ. Sức sống của loại lúa này rất mãnh liệt. Hạt lúa vừa chín sẽ tự rụng khi có ánh nắng. Khi rụng, hạt sẽ trôi khắp nơi, bám vào đâu là mọc thành cây ở đó.
Lúa ma chín chỉ một lần trong năm. Nó trổ bông vào tháng 10 và bắt đầu chín vào tháng 11 – 12. Bông lúa ma chín với vỏ trấu màu vàng đen, có chiếc đuôi dài. Đặc biệt mỗi lần chín chỉ vài hạt chứ không chín rộ cả bông như những giống lúa khác. Nếu không thu hoạch trước khi mặt trời mọc, khi gặp ánh sáng hạt lúa chín sẽ tự rụng.
Lúa ma chín vào mùa nước nổi nên muốn thu hoạch phải dùng thuyền và chỉ rung cây để đập cho hạt rơi vào thuyền.
Còn sếu đầu đỏ, tới nay chỉ thấy chúng xuất hiện ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Vào mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 5 âm lịch (khoảng tháng 1 đến tháng 6 dương lịch) là mùa ngắm vũ điệu của sếu đầu đỏ ở đây. Khác với nhiều loài chim trong vùng, sếu đầu đỏ chỉ kiếm ăn trên mặt đất nên vào mùa nước nổi ở Ðồng Tháp Mười thì chúng phải đi kiếm ăn nơi khác.
Sếu đầu đỏ là phân loài chim quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN thế giới. Khi trưởng thành, chúng cao khoảng 1,5 đến 1,8 mét; sải cánh từ 2,2 đến 2,5 mét và có trọng lượng trung bình 8 đến 10 kg. Sếu đầu đỏ được cho là loài lớn nhất trong họ sếu.
Khi trưởng thành, đầu và cổ của nó trụi lông, trừ một đám màu xám ở má (vì thế sếu đầu đỏ còn được gọi là sếu cổ trụi). Họng và vòng bao quanh gáy có ít lông đen. Dưới cổ và toàn bộ lông còn lại màu xám ngọc trai. Cánh con, lông bao quanh cánh sơ cấp và lông cánh sơ cấp đen. Mắt vàng cam. Mỏ xám lục nhạt. Chân đỏ. Như vậy, với “các loại màu”, sếu đầu đỏ được cho là một trong những loài chim đẹp nhất.
Sếu đầu đỏ chỉ sinh sản mỗi năm một lần, vào tháng 7 đến tháng 10 (mùa mưa). Mỗi năm một lứa, mỗi lứa 2 trứng, nhưng thường chỉ nuôi được một con. Vì thế, số lượng sếu đầu đỏ ngày một ít dần. Một điểm rất đặc biệt là sếu đầu đỏ sống thành từng cặp trống - mái. Khi một con chết, con còn lại sẽ nhịn đói rồi chết theo.
Vì thế, người ta gọi sếu đầu đỏ là loài chim biểu tượng của sự thủy chung trong tình yêu đối lứa.