Trấn áp việc xâm phạm riêng tư

Tinh Anh 23/09/2021 07:04

Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trong đó có nội dung: Người có hành vi mua bán dữ liệu cá nhân (trên 10.000 chủ thể dữ liệu) sẽ bị phạt hành chính 80-100 triệu đồng. Đây được coi là cây “gậy sắt” để trấn áp sự xâm phạm quyền riêng tư.

Tại dự thảo, với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung: Tước giấy phép, giấy chứng nhận hành nghề, đình chỉ hoạt động...

Cũng tùy theo mức độ vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng, tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt hành chính với từng mức tiền tương ứng. Cụ thể, phạt 20-60 triệu đồng đối với hành vi làm ra, phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Đặc biệt, dự thảo nghị định còn dành riêng một mục (2) với 17 điều (14-30) để quy định về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi xử lý dữ liệu cá nhân sai mục đích, trái quy định của pháp luật sẽ bị phạt 60-80 triệu đồng. Kể cả việc xử lý dữ liệu cá nhân nhưng không thông báo cho chủ thể cũng sẽ bị phạt.

Hành vi tự ý thu thập dữ liệu cá nhân khi chủ thể không biết, không được thông báo cũng sẽ bị phạt 60-80 triệu đồng. Tổ chức, cá nhân có hành vi ngăn cản chủ thể dữ liệu khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... để bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình sẽ bị phạt hành chính ở mức cao hơn: 80-100 triệu đồng.

Không chỉ vậy, nếu tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, ngăn chặn không cho chủ thể rút lại sự đồng ý về xử lý dữ liệu cá nhân cũng sẽ bị phạt hành chính 60-80 triệu đồng. Nếu không thuộc tình huống khẩn cấp đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của chủ thể dữ liệu hoặc cá nhân khác; không phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật, nếu tự ý sử dụng dữ liệu cá nhân khi chưa có sự đồng ý sẽ bị phạt 80-100 triệu đồng.

Còn rất nhiều điều khoản trong dự thảo nghị định quy định chi tiết mỗi hành vi xâm phạm sự riêng tư của cá nhân tương ứng với một mức tiền phạt nhất định. Lâu nay, người ta đã quen việc “vô tư” thu thập, phát tán dữ liệu cá nhân mà không hề bị ràng buộc bởi một chế tài đủ mạnh để răn đe, gây ra rất nhiều hệ lụy xấu, làm mất ổn định an ninh, gây rối trật tự an toàn xã hội.

Nhiều người đã gặp phải rắc rối không đáng có vì dữ liệu cá nhân bị phát tán. Thực tế đã có không ít người gặp họa vì thông tin cá nhân bị rò rỉ dẫn đến bị các đối tượng xấu lợi dụng. Có người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có người bị tổn hại sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí có người còn mất cả tính mạng.

Có thể đơn cử, trong thời gian qua, trên mạng xã hội đã diễn ra cuộc “đôi co” giữa một số nghệ sĩ làm từ thiện và những người tự xưng là “vạch mặt sự gian dối”. Hai bên không tiếc sử dụng những ngôn ngữ, lời nói chỉ trích nhau, thậm chí vô tư rêu rao các thông tin cá nhân của nhau trên mạng xã hội… mà không có bất cứ ai phải chịu trách nhiệm gì, không có bất cứ một hình phạt nào.

Nay, với dự thảo nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, có lẽ nhiều người sẽ phải cân nhắc hơn trước khi phát ngôn bừa bãi trên không gian mạng xã hội. Có thể đối với một số người, số tiền phạt lên tới 100 triệu đồng là không lớn, nhưng chắc chắn, bị phạt nhiều lần 100 triệu đồng, cũng đủ để răn đe. Và hy vọng, hành vi xâm phạm sự riêng tư sẽ bị trấn áp triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trấn áp việc xâm phạm riêng tư