Trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022 với chủ đề “Đồng hành - Hợp tác - Phát triển” tại tỉnh Sóc Trăng sáng 28/4, Bộ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Văn Thể có phát biểu xung quanh những lợi thế đặc biệt của tỉnh Sóc Trăng liên quan đến ngành giao thông và những dự định đầu tư chiến lược cho địa phương này trong thời gian tới.
Cụ thể Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Sóc Trăng sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chúng ta đang triển khai những dự án quan trọng, đặc biệt là hình thành cảng biển Trần Đề ở Sóc Trăng, bởi đây là tỉnh có vị trí xây dựng cảng nước sâu tốt nhất.
Bộ trưởng Thể cũng nhận định: Cảng biển nước sâu Trần Đề, không có cảng nào của ĐBSCL có thể so sánh được, từ trung tâm cảng Trần Đề đến trung tâm của vùng là TP Cần Thơ chỉ có 60 km.
“Thủ tướng Phạm Minh Chính hết sức quan tâm đến việc phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL, nhất là cảng biển nước sâu Trần Đề là điểm đột phá chung của ĐBSCL. Cảng Trần Đề đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, và cảng trung chuyển hàng hóa, mở rộng không gian phát triển các tỉnh lân cận khu vực ĐBSCL.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi sẽ tiến hành xã hội hóa xây dựng cảng Trần Đề, vừa qua Bộ Chính trị đã thống nhất đầu tư cho ĐBSCL khoảng 150.000 tỷ đồng, trong đó có 1 tuyến cao tốc đặc biệt quan trọng là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề) và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đây là hai trục đường quan trọng nhất của vùng ĐBSCL”, Bộ Trưởng Bộ GTVT cho biết.
Để phát triển mạnh cảng Trần Đề, Bộ trưởng Bộ GTVT đề cập tới việc sẽ tập trung đầu tư đồng bộ tuyến giao thông đường bộ, đường thuỷ làm sao phát huy tối đa cảng này.
“Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm cuối nằm ngay cảng nước sâu Trần Đề, do đó hệ thống giao thông đường bộ sắp tới sẽ hỗ trợ đặc biệt cho cảng Trần Đề, hàng hóa có thể sử dụng các tuyến cao tốc để kết nối với cảng Trần Đề, xung quanh Trần Đề chắc chắn hình thành các khu, cụm công nghiệp, bởi cự ly vận chuyển gần, chi phí vận tải thấp, chắc chắn nhà đầu tư cũng sẽ rất quan tâm, một số vùng đất ven biển phèn mặn, canh tác không còn hiệu quả sẽ xin Chính phủ để điều chỉnh quy hoạch tăng các khu, cụm công nghiệp, nhất là ven cảng Trần Đề để tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế và công ăn việc làm cho người dân Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung...”, Bộ Trưởng Thể thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin thêm: Bộ Chính trị và Quốc hội cũng đã bố trí một phần ngân sách cho các tuyến cao tốc này, vừa qua Bộ Chính trị cũng đã có kết luận đầu tư công 100% để làm sao đến năm 2025 sẽ hình thành hai tuyến cao tốc trọng điểm này.
Như vậy, trong 4 đến 5 nữa hệ thống cao tốc là điểm khác biệt cho khu vực ĐBSCL. Đặc biệt Sóc Trăng là điểm cuối tuyến cao tốc trục ngang hệ thống đường cao tốc kết nối với cảng Trần Đề. Như vậy, toàn bộ hạ tầng giao thông đường bộ rất thuận lợi,
Theo ông Thể: Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội cũng đã bố trí ngân sách 8.000 tỷ đồng để đầu tư cầu Đại Ngãi, cây cầu lớn nhất ĐBSCL và là cầu cuối cùng nằm trên QL60 (ven phía Đông) kết nối Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang và TP HCM.
Cây cầu này đã được bố trí đủ vốn cho đến 2025 sẽ hoàn thành cùng với cao tốc hỗ trợ cho cảng Trần Đề.