Theo đại diện Ban chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), tình trạng buôn lậu và hàng giả phổ biến như hiện nay là có nhiều nguyên nhân. Trong đó, phần lớn thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thiếu sự kết hợp đồng bộ giữa các bên…
Mỹ phẩm giả đang là nỗi lo của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Lổ hổng quản lý
Doanh nghiệp chưa thật sự phòng chống hàng giả, cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo, xử lý thiếu răn đe,… Đó là những nguyên nhân được đưa ra tại hội thảo giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp, ngày 17/11, tại TP HCM.
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 cho hay, 10 tháng đầu năm cơ quan chức năng phát hiện và xử lý 2.000 vụ hàng giả, phạt 58 tỷ đồng.
Đặc biệt, TP Hà Nội và TP HCM đã phát hiện và xử lý nhiều vụ hàng giả lớn về số lượng và quy mô. TP HCM bắt chục tấn mỹ phẩm giả, TP Hà Nội bắt gần chục tấn thực phẩm chức năng và mỹ phẩm giả.
“Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay được nhiều người quan tâm chính là tình trạng phân bón giả. Mới đây, Ban chỉ đạo 389 quốc gia vừa mới làm việc với TP. HCM đánh giá quá trình sản xuất phân bón trên địa bàn. Thông qua đây mới biết được có nhiều cơ sở sản xuất chui, điển hình nhất là huyện Bình Chánh với số lượng cơ sở sản xuất thiếu điều kiện tối thiểu chiếm tỷ lệ lớn”, ông Đàm Thanh Thế thông tin.
Ông Đàm Thanh Thế cho biết thêm, cơ quan quản lý nhà nước “tuyên chiến” với phân bón giả từ nhiều năm nay song hiệu quả đạt được vẫn chưa cao. Đặc biệt, vào mỗi đợt họp Quốc hội nhiều đại biểu lại lên tiếng bức xúc về tình trạng này vì đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra lời giải cho phân bón giả.
Không chỉ phân bón giả mà nhiều sản phẩm khác cũng trong tình trạng tương tự. Đại diện Công ty TNHH Bugi NGK Việt Nam cho biết, công ty đã phát hiện hơn 332 vụ hàng giả với hơn 8 triệu cái bugi tại Trung Quốc. Dự tính, 8 triệu cái bugi này có thể lưu hành ở Việt Nam. Còn riêng tại Việt Nam, có khoảng 20,5% bugi giả đang được lưu hành.
Dễ dàng nhái sản phẩm chính hãng
Theo đại diện Ban chỉ đạo 389, càng tập trung chống hàng giả thì càng phát hiện nhiều vụ việc vi phạm. Bất kỳ sản phẩm nào cũng bị làm giả, sản phẩm có thương hiệu thì tỷ lệ bị làm giả càng cao hơn. Hàng giả tràn lan trên thị trường vừa thách thức cơ quan chức năng, vừa thách thức người tiêu dùng. Cơ quan chức năng và doanh nghiệp đều băn khoăn không biết làm sao để nhận diện được những sản phẩm chất lượng, an toàn.
Lý do, đối tượng làm hàng giả, hàng kém chất lượng tinh vi trong việc ăn cắp bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm. Bàn về sản phẩm của doanh nghiệp bị làm giả, làm nhái thương hiệu, ông Trần Hùng-Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 khẳng định, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thế nhưng Cục Sở hữu trí tuệ chưa làm hết trách nhiệm chuyên môn.
“Cục Sở hữu trí tuệ một năm xử lý được bao nhiêu vụ vi phạm về bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp?” ông Trần Hùng đặt câu hỏi. Theo Ban chỉ đạo 389, vì không làm hết trách nhiệm nên thanh tra chuyên ngành gần như “chịu chết” với các sản phẩm đang cố tình vi phạm sở hữu trí tuệ. Đơn cử, khi phát hiện ra sản phẩm khác vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Công ty Dược phẩm Ích Nhân chủ động đấu tranh đòi quyền lợi cho “đứa con đẻ”.
Tuy nhiên phải mất 4 năm vác hồ sơ đi kiện tụng sản phẩm Bảo Xuân của Công ty Dước Ích Nhân mới được bảo vệ. Và Cục Sở hữu trí tuệ gần như nằm ngoài cuộc chơi này vì không giải quyết được cho doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ, có rất sản phẩm đã đăng ký sở hữu trí tuệ nhưng vẫn bị xâm phạm một cách dễ dàng.
Đi tìm nguyên nhân cho tình trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tràn lan trên thị trường hiện nay, ông Trần giang Khuê - Phó Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP HCM cho rằng, cạnh tranh không trong sạch nên hàng giả ồ ạt đi vào cuộc sống, kết quả là quản lý khó khăn. Theo vị này, người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi về tư duy, nhận thức nếu không cuộc chiến này sẽ không có hồi kết.