Từ phản hồi của dư luận, UBND thành phố Hải Phòng vừa khẩn cấp tháo dỡ “rồng lai Pikachu”. Lãnh đạo địa phương cũng cho biết việc dựng hình ảnh con rồng không nằm trong kế hoạch trang trí đường phố cuối năm mà là việc trang trí định kỳ của Công ty Cây xanh Hải Phòng. Trước đó, chiều 7/1, ngay khi con rồng chuẩn bị dựng xong thì cư dân mạng phản ứng dữ dội về tính thẩm mỹ cũng như kinh phí dựng rồng.
“Rồng Pikachu” (ở Hải Phòng) quây kín để tháo dỡ. Ảnh: Giang Chinh.
Hình ảnh con rồng mô hình màu vàng được lan truyền trên, các trang mạng xã hội với tốc độ chóng mặt kèm những lời bình luận, thái độ bất bình. Được biết, đây là hợp phần nằm trong Dự án trang trí TP Hải Phòng đón Tết Nguyên đán. Dự án này được UBND TP Hải Phòng giao cho Sở Xây dựng thành phố làm chủ đầu tư.
Điều đáng chú ý là đơn vị thi công trang trí là Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hải Phòng đã dùng hoa giả màu vàng bọc kín hai con rồng vốn tồn tại từ lâu bằng cây xanh. Hai con Rồng rất lớn được tạo hình bằng cây xanh khá đẹp mắt là hình ảnh quen thuộc và niềm tự hào của người dân đất Cảng. Việc dùng hoa giả bằng nilon, màu vàng bọc kín hai con rồng này phá vỡ tạo hình đẹp mắt vốn có của cây.
Khi có những ý kiến bất bình từ dư luận, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hải Phòng cũng thừa nhận hình dáng của hai con rồng trên tuyến đường Lê Hồng Phong chưa được đẹp và phù hợp. Cũng theo đại diện Cty, giá để làm hai con rồng trên chỉ vào khoảng 100 triệu đồng chứ không phải 60 tỉ đồng như dư luận đồn thổi.
Câu chuyện con rồng ở Hải Phòng lại khiến dư luận liên tưởng tới những tồn tại trong trang trí đô thị lâu nay. Gần đây nhất cũng từ những phản hồi từ dư luận, Sở VHTT Hà Nội cũng đã cho tháo dỡ việc trang trí hoa kỳ quặc ở quảng trường Đài phun nước sát Hồ Gươm.
Theo lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội, kinh phí thực hiện tác phẩm trang trí hoa đó là từ nguồn tài trợ của một doanh nghiệp tư nhân. Đây cũng là chủ trương xã hội hóa trang trí đô thị lâu nay. Đơn cử như chủ trương xã hội hóa trang trí ánh sáng đường phố được ban hành tại Văn bản 9690 mới đây của UBND TP Hà Nội.
Trước đó, Sở VHTT đã đề xuất thực hiện chủ trương tăng cường xã hội hóa các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, trang trí phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, phát huy tiềm năng các nguồn lực xã hội và tiết kiệm ngân sách nhà nước. Sở đã phát động một số công ty, đơn vị quảng cáo có năng lực, kinh nghiệm tham gia thiết kế, tài trợ thực hiện trang trí ánh sáng một số tuyến đường trên địa bàn thành phố theo hình thức xã hội hóa.
Các tuyến đường dự kiến thực hiện theo hình thức xã hội hóa bao gồm: Võ Chí Công, Hàng Bài (từ ngã tư Trần Hưng Đạo đến ngã tư Hàng Khay), Bà Triệu (từ ngã tư Hàng Khay đến ngã tư Trần Hưng Đạo), Tràng Tiền, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng…
Tất nhiên dư luận cũng không khỏi băn khoăn, liệu như thế có tránh được tình trạng phố phường Hà Nội mỗi dịp lễ tết lại tái diễn cảnh đèn màu nhấp nháy lòe loẹt nữa hay không? Đại diện Sở VHTTHà Nội cho hay, Ban tổ chức cuộc vận động thiết kế các hình thức trang trí TP Hà Nội đã nhận được 56 tác phẩm, chọn ra 12 tác phẩm vào chung kết để chấm giải.
Các mẫu đoạt giải đã được sử dụng tại các tuyến đường trung tâm thành phố bắt đầu từ dịp Noel 2016. Chất lượng các tác phẩm đoạt giải chưa thực sự như mong muốn, có thể do cách tổ chức vận động tham gia dự thi. Tuy nhiên, vẫn phải trang trí phục vụ Tết nên Sở đã quyết định chọn các mẫu tương đối phù hợp, có sự đồng thuận cao nhất.
Nhiều năm trở lại đây việc trang trí đường phố Hà Nội đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trang trí đường phố Hà Nội đang có sự lạm dụng màu sắc. Trong khi các nước phương Tây ít dùng đèn màu trang trí đô thị, thì Hà Nội lại được khoác lên chiếc áo lòe loẹt với đủ màu xanh, đỏ... Còn họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, việc trang trí Thủ đô đã có từ sau khi giải phóng Thủ đô. Giờ đây Thủ đô của chúng ta ngày một mở rộng, xây dựng nhiều mà lộn xộn cũng nhiều. Đôi khi ông cảm giác cách trang trí mới trên đường phố như là cộng thêm sự lộn xộn vào chứ không phải làm đẹp thêm lên.
Việc tổ chức thi và sử dụng kết quả từ cuộc thi để trang trí đường phố Hà Nội chính là một cách trưng cầu dân ý, là kinh nghiệm cần nhân rộng tới nhiều đô thị khác trong cả nước. Âu cũng là thể hiện sự cầu thị, lắng nghe và tôn trọng ý kiến đóng góp, phản biện từ chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng và kênh thông tin đại chúng…Tất cả không nằm ngoài mục đích tôn vinh vẻ đẹp và diện mạo của đô thị Việt Nam hiện đại nói chung.