So với các dân tộc thiểu số khác, trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường khá đơn giản, song cũng có rất nhiều nét đặc trưng.
Trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Mường có hai màu chủ đạo, đó là màu xanh và trắng, cũng có những địa phương sử dụng thêm áo màu hồng (như người Mường ở Hòa Bình). Đối với loại áo này, người Mường thường sử dụng các loại sợi dệt mảnh, có thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài.
Đối với váy, có 3 bộ phận chính, đó là đầu váy, thân váy và cạp váy. Trong đó, đầu váy là chi tiết cực kỳ quan trọng bởi đây là điểm nhấn đại diện cho sự sáng tạo của người dệt, thường là các họa tiết hoa văn cực kỳ tinh xảo không bị lệ thuộc vào các mẫu có sẵn. Các hoa văn trên đầu váy chủ yếu được thêu hình long, phượng và các khối hình khác, nhưng nổi bật và mang tính phổ biến của sự ảnh hưởng văn hóa trên mặt trống đồng Đông Sơn.
Thân váy được dệt từ một tấm vải tơ tằm, màu sắc được nhuộm theo ý thích của người mặc. Cạp váy là phần cuối cùng của chiếc váy, được vắt và khâu bên trong thân váy thường có màu đỏ hoặc đen. Bên ngoài cạp được thêu các hoa văn với nhiều màu sắc để khi mặc lên những mảng hoa văn nổi bật giữa cơ thể người phụ nữ. Đặc biệt, phần cạp váy thể hiện sự tinh tế, khéo léo, sâu sắc của người dệt.
Ngoài áo, váy, người Mường sử dụng thêm thắt lưng được làm bằng chất liệu vải, lụa tơ tằm, có màu xanh lục hoặc màu xanh lá mạ, có chiều dài khoảng 160 cm, chiều ngang 35 cm, khi mặc phụ nữ Mường thường thắt dây lưng bên ngoài váy, quấn tầm ngang hông.
Đặc biệt, trong bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường, còn được tạo điểm nhấn bằng yếm và chiếc khăn đội đầu. Chiếc khăn đội đầu là một dải vải trắng không viền, rộng chừng một gang tay, khoảng 15 cm, dài khoảng 50-60 cm quá vòng đầu để thắt sau gáy theo kiểu thắt vặn, không luồn dưới tóc. Chiếc khăn này dùng để giữ cho nếp tóc được gọn gàng, giữ ấm trước nhiệt độ, thời tiết ở núi rừng.
Còn với yếm của phụ nữ Mường thì có điểm gần giống với yếm của phụ nữ người Việt (Kinh). Yếm được mặc bên trong dùng để che ngực trước khi mặc các loại áo khác ở ngoài. Đây thực chất là một miếng vải mộc vuông, góc trên cùng được khoét tròn là cổ có đính dây buộc, 2 góc kế tiếp đính dây để khi mặc sẽ buộc lại phía sau lưng, góc dưới cùng khi mặc sẽ giắt trong cạp váy…
Theo nhiều phụ nữ Mường tại Cẩm Thủy (Thanh Hóa) chia sẻ: Hiện nay, người Mường tại địa phương vẫn luôn lưu giữ những nét đẹp của văn hóa dân tộc Mường, trong đó có việc gìn giữ trang phục truyền thống. Vào các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng, người Mường nơi đây vẫn luôn sử dụng bộ quần áo dân tộc. Qua thời gian, với sự phát triển của kinh tế-xã hội, xuất hiện nhiều dạng chất liệu dệt, vải vóc khác nhau nên bộ trang phục dân tộc Mường cũng được sáng tạo may gọn nhẹ, dễ mặc hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc và cấu trúc riêng truyền thống.