Trắng tay và nỗi lo dịch bệnh

Điền Bắc 04/11/2020 07:24

Khi cơn lũ đi qua, người dân các vùng bị ảnh hưởng ở Nghệ An không chỉ lâm cảnh tay trắng do tài sản bị cuốn trôi mà còn phải đối diện với vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Cuộc sống vốn khó khăn, nay lại càng cơ cực hơn.

Phun tiêu độc, khử trùng khu vực ngập lụt, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các loại bệnh khác.

Nước lên nhanh, trong chốc lát cuốn theo hàng vạn con gia súc, gia cầm khiến người dân chỉ biết đứng nhìn và ứa nước mắt. Anh Nguyễn Duy Điệp, trú tại xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương định thần lại nhưng vẫn không hình dung ra, hàng trăm triệu đồng của gia đình đã trôi theo biển nước. Chỉ sau một đêm, hơn 13 ngàn con gà gần xuất chuồng của gia đình anh Điệp đã bị lũ nhấn chìm, chết sạch.

Anh Điệp tâm sự: “Khuya 29/10, cơn lũ ập vào trang trại chăn nuôi gà của gia đình quá chóng vánh khiến chúng tôi không kịp trở tay. Cả nhà đứng nhìn đàn gà hàng chục ngàn con bị lũ nhấn chìm trong bất lực”. Ngoài 13 ngàn con gà, anh Điệp còn mất hơn gần 5 ngàn con cá chim, khi lũ vào cá tràn theo dòng nước, giờ chỉ còn ao không. “Chỉ mong, ngân hàng giãn nợ, để tiếp tục tái thiết đàn gà, xót quá”, anh Điệp nói như khóc.

Gia cầm chết hàng loạt, người chăn nuôi phải gánh nợ.

Cách đó không xa là gia đình anh Nguyễn Ngọc Hiền, xóm Đồng Hòa, xã Thanh Hòa, trong chốc lát hơn 3.000 con gà thịt cũng bị cuốn theo lũ, thiệt hại khoảng trên 300 triệu đồng. Ngược về huyện Nghi Lộc, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Đình Nhàn, xã Nghi Hưng, một hộ dân cũng mất hơn 10 ngàn con gà trong lũ dữ. Anh Hiền thất thần: “Đúng là trận lũ lịch sử, đến hôm nay mình không nghĩ đàn gàn hơn 10 ngàn con của gia đình đã không còn. Thế là chỉ sau một đêm, tôi thành trắng tay”.

Không chỉ thiệt hại về kinh tế, người dân vùng lũ ở Nghệ An cũng đang phải đối diện với diễn biến dịch bệnh. Ông Quế Anh Trâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An cho biết: Sau mưa lũ, dịch bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và nguy hiểm nhất đó là bệnh sốt xuất huyết và bệnh whitmore (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người hay bệnh lãng quên)... được dự báo sẽ có diễn biến phức tạp.

Khám, chữa bệnh cho người dân vùng lũ. Ảnh: Đ.B.

Lũ đã qua 5 ngày, nhưng về vùng lũ những ngày này xác gia súc, gia cầm chết vẫn còn nằm dạt kín nhiều đoạn sông suối. Không những vậy, lượng bùn đất còn rất nhiều, nhất là các xã bị ngập sâu.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Ngay sau lũ, chúng tôi đã cử 2 đoàn công tác kiểm tra, hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra với phương châm, “nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường, phun hóa chất đến đó”.

Ông Chỉnh khẳng định: Sở đã tiến hành cấp phát một số hóa chất như Cloramin B, Aquatas để trạm y tế cấp phát cho các hộ gia đình và hướng dẫn người dân cách xử lý nguồn nước ăn uống, sinh hoạt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trắng tay và nỗi lo dịch bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO