Mấy ngày gần đây, nhiều tài xế chạy xe GrabBike ở khu vực TP HCM và Hà Nội đã có những phản ứng trái chiều về việc công ty cung cấp dịch vụ gọi xe Grab tăng mức chiết khấu với tài xế từ 15% lên 20%.
Nhiều tranh cãi về mức chiết khấu mới.
Trước đây, các tài xế khi chạy xe chỉ phải trả lại cho công ty Grab số tiền 15% số tiền thu được từ hành khách thì nay, con số đó tăng lên 20%.
Nhiều tài xế cho biết, việc tăng chiết khấu có thể sẽ ảnh hưởng đến thu nhập nhưng nhiều người lại cho biết rằng, việc tăng đó thực ra không ảnh hưởng gì!
Cụ thể, anh Văn Hùng, một tài xế chạy GrabBike ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) cho biết, so với một năm trước, hiện nay mức độ “phủ sóng” của phần mềm Grab đã tăng rất nhiều, số lượng khách hàng ngày cũng tăng rõ rệt.
Vì thế, việc các tài xế phải trích lại lợi nhuận để công ty quảng bá, duy trì hoạt động phần mềm cũng như đóng thuế cho Nhà nước là đương nhiên. Nếu so sánh với các tài xế chạy xe của các ứng dụng khác, chiết khấu 20% vẫn còn thấp hơn.
Anh Xuân Hoàng ở khu vực Bệnh viện Nhi Đồng 1 (quận 10) thì hiện nay, số người cập nhật phần mềm của Grab đã tăng nhiều, trở nên thông dụng, quen thuộc.
Vì thế, lượng khách hàng cũng nhiều hơn và thay vì phải chạy rỗng (không khách) ở chiều quay về mỗi khi chở khách, anh đã kiếm được thêm nhiều cuốc chạy quay về như vậy.
“Mình buộc phải bỏ thêm chi phí để nâng cấp, cạnh tranh, quảng bá các thông tin liên quan đến phần mềm Grab này thì hành khách mới tăng lên, để mình có thêm công việc cũng như nâng cao hiệu quả chạy xe. So với 1 năm trước, mỗi tuần mình chỉ có khoảng 30 cuốc xe thì nay con số đã tăng lên tới 40 hay thậm chí hơn nữa. Vì vậy, tính tổng thì thu nhập lại tăng hơn chứ không hề giảm đi”, anh cho biết thêm.
Trong khi đó, một số tài xế khác lại tỏ ra lo lắng khi cho rằng, nếu tăng mức chiết khấu thêm 5% nhưng công ty không tạo thêm được lượng khách mới, tăng các cuộc gọi đặt khách và làm dày thêm mật độ khách hàng thân thiết thì về lâu dài sẽ gây khó khăn nhất định với tài xế.
Được biết, với hàng ngàn tài xế đang chạy xe có ứng dụng phần mềm Grab, việc tăng hay giảm cũng ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt, thu nhập của rất nhiều người.
Ngoài ra, một luật sư ở khu vực TP HCM cũng cho biết, quan hệ giữa công ty Grab và các tài xế là quan hệ đối tác làm ăn. Công ty Grab cung cấp dịch vụ (phần mềm gọi xe) và các tài xế thì trả phí (có khách thì trích phần trăm) nên đây là thỏa thuận dân sự, hợp tác giữa hai bên.
Nếu cảm thấy không phù hợp, các tài xế (hoặc công ty) có thể phá vỡ hợp đồng, chấm dứt các quan hệ hợp tác là điều bình thường.