Tránh hình thức khi lấy phiếu, bỏ phiếu

H.Vũ (thực hiện) 19/06/2023 07:00

Trong tuần này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Theo ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, đánh giá cán bộ phải toàn diện, là cả một quá trình, và dựa vào nhiều kênh; trong đó việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một kênh cần thiết.

Ông Lê Văn Cuông.

PV:Thưa ông, hiện dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) đang được hoàn thiện. Các cơ quan thống nhất không lấy phiếu tín nhiệm đối với người mắc bệnh hiểm nghèo và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên. Quan điểm của ông?

Ông Lê Văn Cuông: Tôi đồng tình với quan điểm đó. Bởi khi đã mắc bệnh hiểm nghèo, không điều hành công tác trong 6 tháng liên tục trở lên thì lấy phiếu sẽ không có cơ sở và không chính xác. Vì khi đã nghỉ, không tham gia điều hành công tác sẽ không có sản phẩm, kết quả cụ thể. Nếu đánh giá theo cảm tính, cảm tình thì sẽ không có căn cứ chuẩn xác. Do vậy đưa họ vào “trường hợp đặc biệt” không lấy phiếu sẽ phù hợp.

Chúng ta chỉ lấy phiếu với người đang tham gia công việc, có kết quả công việc cụ thể. Lúc đó đánh giá có cơ sở, có thông tin để lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm một cách thuyết phục.

Lần này lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không đơn thuần là đánh giá như trước nữa. Đó là người được lấy phiếu có từ 50%-2/3 phiếu tín nhiệm thấp thì phải chủ động xin từ chức, thưa ông?

- Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến khi phiếu đang có 3 mức là: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Như vậy cũng khó để đánh giá mức tín nhiệm một cách chuẩn xác. Vì thế một số ý kiến cho rằng nên để 2 mức là: Tín nhiệm; và không tín nhiệm như các nước khác đang áp dụng. Làm như vậy sẽ dễ phân biệt hơn. Dựa trên tỷ lệ phiếu thì sẽ minh bạch và rõ ràng hơn thay vì có 3 mức. Nếu như 3 mức thì sẽ rất ít, rất hiếm người ở diện 50% đến 2/3 nhận “tín nhiệm thấp” mà đa phần là đều đạt yêu cầu là “tín nhiệm”.

Lấy phiếu và bỏ phiếu cũng là kênh để nắm được tình hình cán bộ; trong đó có việc đánh giá được những cán bộ nào là những người yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc tín nhiệm thấp. Từ đó để luân chuyển, hay xử lý cán bộ trì trệ, uy tín thấp.

Theo ông lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm ở thời điểm giữa nhiệm kỳ giúp ích thế nào trong lựa chọn nhân sự cho nhiệm kỳ tới, bởi cả 1 nhiệm kỳ chỉ đánh giá tín nhiệm 1 lần?

- Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm sẽ tác động đến suy nghĩ của những người được lấy phiếu, bỏ phiếu. Khi lấy phiếu với chế tài là hệ quả sau lấy phiếu thì dứt khoát họ phải lo lắng, làm sao đạt được kết quả như mong muốn chứ đừng để vào diện thấp nhiều quá.

Mục đích của lấy phiếu và bỏ phiếu là rất tốt để ngăn chặn trường hợp không tích cực trong công việc, không giữ gìn phẩm chất đạo đức. Đó cũng là cách để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Có thể căn cứ vào lấy phiếu và bỏ phiếu để nắm chắc tình hình cán bộ, nhưng nó cũng có hạn chế là người được lấy phiếu, bỏ phiếu cũng sẽ “giữ mình” hơn, tránh đụng chạm, va chạm để mong đạt được phiếu cao. Chưa kể vận động để bỏ phiếu cho nhau.

Cái gì cũng có hai mặt. Cho nên tôi cho rằng phiếu tín nhiệm nên để 2 mức là như vậy. Chứ như những lần lấy phiếu trước đây ở các cấp đa phần là đều đạt tín nhiệm cả. Chỉ có ở HĐND cấp xã có vài trường hợp nằm trong diện nhiều tín nhiệm thấp thôi. Như vậy thì lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm vẫn là hình thức nhắc nhở, cảnh báo là chính. Để đạt kết quả như mong đợi của nhân dân thì cần nghiên cứu để hoàn thiện thêm nhằm thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực, tránh hình thức.

Người nhận từ 50% phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì phải xin từ chức. Nhưng với những người đạt nhiều phiếu tín nhiệm cao thì theo ông có nên coi đó là kênh để bổ nhiệm họ ở vị trí cao hơn nhằm khuyến khích cán bộ năng động, dám làm?

- Theo tôi đánh giá một con người bằng nhiều kênh thông tin chứ không phải chỉ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Bởi nhiều khi người “dĩ hoà vi quý”, “giữ mình”, “giỏi quan hệ” thì có khi được phiếu cao. Ngược lại, có khi người thẳng thắn, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, không tránh né thì có khi phiếu lại thấp hơn. Cho nên lấy phiếu và bỏ phiếu chỉ là một kênh đánh giá chứ không phải kết quả mang tính quyết định như kết quả bầu cử.

Trong đánh giá cán bộ, Đảng có nhiều kênh khác nữa. Nhất là thực tế công việc, hiệu quả công việc, đánh giá của nhân dân. Có thể cán bộ đó không được nhiều phiếu tín nhiệm cao nhưng nhân dân rất quý vì cán bộ đó thẳng thắn, giỏi việc. Cho nên nếu dựa vào lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm để đánh giá và cất nhắc bổ nhiệm cán bộ là chưa hẳn đã chính xác. Mà theo tôi đây là kênh rất cần thiết nhưng không phải là kênh quyết định tất cả đối với cán bộ. Bởi đánh giá cán bộ phải toàn diện, là cả một quá trình, và dựa vào nhiều kênh.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh hình thức khi lấy phiếu, bỏ phiếu