Có mặt ở thôn Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) những ngày giáp Tết nhiều người sẽ cảm thấy thích thú khi dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã thực sự hồi sinh sau hơn 70 năm thưa dấu. Những bức tranh gà, tranh lợn… nổi tiếng của Kim Hoàng đã kịp ra mắt những người yêu màu dân tộc dịp Xuân Đinh Dậu này.
Dự án phục hồi dòng tranh dân gian Kim Hoàng do bà Nguyễn Thị Thu Hòa cùng các cộng sự thực hiện trong suốt thời gian qua. Đến nay, qua nhiều thất bại đã bước đầu gặt hái được thành công khi cho ra mắt những sản phẩm tranh được những người trong và ngoài giới yêu thích.
Bên cạnh khu vực sản xuất tranh ngay tại thôn Kim Hoàng, từ ngày 20/1 (tức 23 tháng Chạp), tranh dân gian Kim Hoàng sẽ xuất hiện tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, và Trung tâm Giao lưu phố cổ để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.
Một số ván khắc của tranh Kim Hoàng được phục dựng.
Một bản ván khắc tranh gà.
Tranh Kim Hoàng được in theo lối in ngửa.
Đặc biệt, sẽ xuất hiện bức tranh Thần kê dài tới 2,2 m, rộng 0,8 m và bức Thần kê cẩn vàng bạc kích thước lớn.
Theo bà Thu Hòa, tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ mà in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều, hoặc giấy vàng tàu nên còn được gọi là tranh Đỏ.
Một số bức tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cách riêng của mỗi người. Vì thế, bức tranh có một sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc. Điều này khiến tranh Kim Hoàng đa dạng, và được ưa chuộng…
Giấy để in tranh thường là giấy đỏ, giấy hồng điều.
Phơi giấy làm tranh
Tranh Kim Hoàng rực rỡ đón Xuân.