Kể từ năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 10, cấp THPT chính thức được triển khai. Do đó, mối quan tâm lớn nhất của phụ huynh và học sinh hiện nay là đến năm 2025 khi hoàn thành chương trình bậc THPT thì có còn thi tốt nghiệp THPT nữa hay không? Thi theo hình thức nào? Công tác tuyển sinh đại học (ĐH) có thay đổi gì so với hiện nay.
Sớm công bố phương án tuyển sinh đại học sau năm 2025
Trên các diễn đàn, người học bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sớm công khai phương án thi tốt nghiệp THPT. Bởi các môn học tự chọn, học sinh học khác nhau và rất khó cho việc xây dựng nhóm môn thi tốt nghiệp THPT.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu công bố phương án tuyển sinh ĐH năm 2025 trong vài tháng tới. Cụ thể, với nhóm công việc tuyển sinh, ngoài lưu ý các trường cần làm tốt công tác tuyển sinh của năm 2022, ông Sơn giao các trường ĐH sớm xây dựng phương án tuyển sinh cho năm 2025, và nhấn mạnh: Bộ GDĐT sẽ có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các trường ĐH trong vài tháng nữa phải công bố phương án tuyển sinh, chuẩn đầu vào của năm 2025.
Ông Sơn cho biết, hiện nay Bộ đang tích cực hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT cho năm 2025. Việc công bố phương án thi tốt nghiệp năm 2025 sẽ chưa đáp ứng được hoàn toàn mong đợi của dư luận, mà còn phải căn cứ vào định hướng về tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH.
Đánh giá về công tác tuyển sinh ĐH thời gian qua, Vụ Giáo dục (Bộ GDĐT) cũng thừa nhận, công tác tuyển sinh ĐH ngày càng phức tạp. Trong năm 2022 một số trường có quá nhiều phương án tuyển sinh phức tạp, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Bên cạnh đó, năm nay gặp phải vấn đề nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.
Cụ thể, theo phương thức xét tuyển sớm, trung bình 1 thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2, 3 nguyện vọng. Qua thống kê, trong tổng số gần 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm, chỉ có 35% thí sinh đăng ký Nguyện vọng 1; có đến 30% thí sinh đăng ký các nguyện vọng khác. Còn lại 35% không đăng ký vào nguyện vọng xét tuyển sớm nào.
Trước đó, kết quả công tác tuyển sinh ĐH ở năm học 2021-2022 cũng cho thấy nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số cơ sở đào tạo tuyển sinh tốt nhưng chưa đầu tư về các điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo. Một số trường hoạt động kém hiệu quả, tuyển sinh thấp so với năng lực. Một số trường chưa thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ theo quy định, đặc biệt là thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, học phí, tuyển sinh, thông tin về văn bằng, chứng chỉ…Vì vậy, Bộ GDĐT xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết sớm.
Chất lượng hơn số lượng
Vậy thi và tuyển sinh sau năm 2022 nên như thế nào cho hợp lý? Theo nhiều chuyên gia, quy chế và các phương thức tuyển sinh 2022 nên tiếp tục được áp dụng vào năm sau, nhưng cần hoàn thiện hệ thống đăng ký nguyện vọng trực tuyến.
Đơn cử, TS Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Ngân hàng) đánh giá công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản thuận lợi. Việc tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng trên hệ thống lọc ảo chung đối với mọi phương thức tạo ra sự công bằng, bình đẳng giữa các trường; đảm bảo thí sinh được trúng tuyển nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất nếu đủ điều kiện. Những năm trước, một số trường tổ chức xét tuyển và yêu cầu xác nhận nhập học sớm, ảnh hưởng đến quyền được chọn nguyện vọng của thí sinh.
Dù thực tế vẫn còn một số trường gặp vướng mắc nhất định, ông Hà cho rằng quy chế tuyển sinh năm nay cần được duy trì trong một vài năm tới. Ngoài ra, ông Hà đề xuất các trường nên giữ ổn định phương thức tuyển sinh.
Đại diện cho Nhóm xét tuyển miền Bắc với 58 cơ sở giáo dục ĐH, ông Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, những điểm mới trong xét tuyển năm 2022, trong đó có việc đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí xét tuyển trên nền tảng số từng gây nhiều ý kiến trái chiều, nhưng cho tới thời điểm này đa số các trường đã xét tuyển ổn thỏa. Số thí sinh trúng tuyển tương ứng với chỉ tiêu tuyển sinh.
Ông Điền cho rằng quy chế trao quyền tối đa cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng và trúng tuyển với nguyện vọng ưu tiên cao nhất là hướng đi đúng đắn. Đã tới lúc các cơ sở giáo dục ĐH cần tập trung nhiều hơn để đưa ra các phương án tuyển sinh nâng cao chất lượng chứ không chỉ đặt mục tiêu về số lượng.