Trong khi Thông tư 46 của Bộ GTVT chỉ cho phép tải trọng đến 48 tấn thì Nghị định thư 72 mà Việt Nam lại ký với Lào có nội dung công nhận tải trọng xe Lào (lên tới 70 tấn).
Sau khi có phản ánh và yêu cầu hạ tải đúng với Thông tư 46, tại Xí nghiệp xếp dỡ Cảng Cửa Lò những xe mang BSK Lào vẫn đang án binh bất động.
Sau khi Báo Đại Đoàn Kết ngày 27/3, thông tin về việc lực lượng TTGT Nghệ An bắt và xử lý đoàn xe chở than mang biển số Lào chở quá tải. Chiều ngày 28/3, doanh nghiệp vận tải, xí nghiệp xếp dỡ cảng Cửa Lò và TTGT Nghệ An đã có buổi trao đổi về vấn đề này. Tại đây, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Vậy, văn bản nào là cơ sở để thực hiện kiểm tra tải trọng, trong đó có yếu tố nước ngoài. PV báo Đại Đoàn Kết đã tham gia buổi trao đổi này và ghi nhận những ý kiến của các bên.
Xin nhắc lại, chiều ngày 27/3 vừa qua, nhận được tin báo của người dân, lực lượng TTGT Nghệ An đã tiến hành kiểm tra và xử lý 8 xe tải kéo móc có hiện tượng chở quá tải khi đang di chuyển trên tuyến đê Hưng Hòa, TP Vinh (Nghệ An).
Tại đây, 8 phương tiện này đều vượt quá tải trọng cho phép từ 20-54%, bị lập biên bản và xử phạt theo quy định.
Theo ông Phan Huy Chương - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Nghệ An: “Các phương tiện bị xử lý chiều ngày 27/3, đều vượt tải trọng cho phép từ 20-54%. Cơ sở để xứ lý lỗi vi phạm này chính là Thông tư 46/2015/TT-Bộ GTVT có hiệu lực từ 1/12/2015 vừa qua”.
Nếu là các phương tiện được đăng ký trong nước thì việc xử lý là đúng quy trình. Tuy nhiên, đây là các phương tiện vận tải có yếu tố nước ngoài (cụ thể là mang BKS Lào). Vậy nên, doanh nghiệp vận tải và các phương tiện không đồng ý với lỗi xử phạt này.
Họ cho rằng, Thông tư 46 chồng chéo với Nghị định thư 72 mà nước ta đã ký kết với Lào về vấn đề việc tạo điều kiện cho phương tiện cơ giới qua lại giữa hai nước.
Cuộc trao đổi giữa TTGT Nghệ An, doanh nghiệp vận tải và Xí nghiệp xếp dỡ cảng Cửa Lò.
Cụ thể, theo ông Trần Doãn Hùng (một doanh nghiệp vận tải) cho rằng: “Trước hết phải khẳng định, những phương tiện vận tải có yếu tố nước ngoài khi quy định về tải trọng tối đa thì trên thông tư 46 còn có một Nghị định thư 72 được ký kết giữa nước ta với nước bạn Lào”.
Theo đó, tại điều 6 Nghị định thư 72 này ghi rõ “Công nhận lẫn nhau: Nghĩa là mỗi bên ký kết công nhận biển đăng ký phương tiện, giấy đăng ký phương tiện, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện và/hoặc tem kiểm định, giấy phép lái xe và giấy phép liên vận do cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia cấp”.
Điều này chứng tỏ, tải trọng cho phép của những phương tiện mang BKS Lào (70 tấn) đã được Việt Nam công nhận.
Tuy nhiên, soi chiếu vào Thông tư 46 do Bộ GTVT quy định thì giới hạn cho phép tối đa của các phương tiện tham gia giao thông có tải trọng (kể cả xe có yếu tố nước ngoài) không quá 48 tấn. Vậy đâu là cơ sở để các phương tiện vận tải có yếu tố nước ngoài thực hiện?
“Những phương tiện của chúng tôi có đầy đủ các giấy tờ theo đúng quy định của nước bạn Lào cấp, trong đó có giới hạn tải trọng là 70 tấn. Giờ sang Việt Nam, chúng tôi lại phải thực hiện theo Thông tư 46 có giới hạn tối đa tải trọng là 48 tấn. Vậy, Nghị định thư 72 quy định về tải trọng mà nước ta với Lào ký kết như nói ở trên sao lại không thực hiện, trong khi Nghị định có giá trị pháp lý lớn hơn Thông tư”, ông Trần Doãn Hùng phân trần.
Khẳng định lại một lần nữa, ông Phan Huy Chương nhấn mạnh: “Qua trao đổi với doanh nghiệp vận tải và Xí nghiệp xếp dỡ cảng Cửa Lò, chúng tôi vẫn đề nghị các đơn vị tuân thủ Thông tư 46 do bộ GTVT ban hành”.
Còn ông Trần Văn Đạt - Giám đốc Xí nghiệp xếp dỡ Cảng Cửa Lò cho rằng: “Từ khi Chính phủ ban hành các văn bản quy định về hạn chế tải trọng, đơn vị chúng tôi rất quyết liệt thực hiện chủ trương này. Các phương tiện ra vào cảng đều được cân tải trọng đúng theo đăng ký, đăng kiểm cho phép. Riêng những phương tiện mang BKS Lào mà báo chí phản ánh vừa qua và sau khi TTGT Nghệ An xuống làm việc, chúng tôi xin khẳng định là đơn vị đã cấp hàng đúng theo bản dịch thuật về đăng ký, đăng kiểm mà các tài xế, chủ phương tiện cung cấp”.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ tư pháp cho biết, khi các văn bản quy phạm pháp luật có sự chồng chéo và chưa thống nhất thì ưu tiên thực hiện những thỏa hiệp quốc tế về nội dung đó và đang còn hiệu lực.
Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.