Các nhà phân tích nghi ngờ rằng, việc đâm phải chim không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra thảm kịch.
Nguyên nhân ban đầu khiến chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air của Hàn Quốc gặp nạn được cho là do đâm phải chim, nhưng các nhà phân tích nghi ngờ rằng đó không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra thảm kịch.
Giáo sư Doug Drury thuộc Đại học Central Queensland cho rằng, cú đâm của chim không phải là nguyên nhân duy nhất. “Một cú đâm của chim vào một động cơ sẽ không khiến toàn bộ các hệ thống bị hỏng hoàn toàn, bạn có thể lái một chiếc 737 chỉ bằng một động cơ”, ông Drury, phi công kỳ cựu từng lái máy bay thương mại, quân sự trong suốt sự nghiệp của mình, cho biết.
Các chuyên gia hàng không đã đặt ra những câu hỏi về an toàn liên quan đến các rào chắn bê tông lớn ở cuối đường băng sau khi chiếc máy bay này đâm vào một rào chắn và phát nổ hôm 26/12/2024.
Máy bay Boeing 737-800 do Jeju Air của Hàn Quốc vận hành đã phát nổ khi lao vào bờ kè bê tông trong khi hạ cánh khẩn cấp tại sân bay quốc tế Muan. Mặc dù lý do một con chim đâm vào động cơ được cho là có vai trò trong tình huống khẩn cấp ban đầu, nhưng các chuyên gia hàng không cho biết, hiện tượng phổ biến này không phải là yếu tố duy nhất gây ra thảm họa khiến 179 người trên máy bay thiệt mạng.
Một số người chỉ ra rằng, kết cấu kè bê tông tại sân bay Muan cao gần 2 mét và được cho là cao hơn nhiều so với những cấu trúc được sử dụng tại các sân bay khác của Hàn Quốc. Rào chắn này cũng hỗ trợ một ăng-ten "định vị", có mục đích là cung cấp thông tin căn chỉnh hạ cánh cho máy bay đang đến.
Ông David Learmount, một chuyên gia an toàn hàng không tại Anh, cho rằng thật bất thường và không an toàn khi để bộ định tuyến được giữ bằng một bức tường chắc chắn như vậy gần đường băng. "Loại cấu trúc đó không nên có ở đó. Không chỉ không có lý do chính đáng, tôi nghĩ rằng việc đặt nó ở đó gần như là hành vi phạm tội”, ông Learmount nói với Sky News.
Theo Giáo sư Greg Bamber từ Trường Kinh doanh của Đại học Monash tại Australia, rủi ro va chạm do các cấu trúc gần đường băng gây ra đã dẫn đến các tiêu chuẩn quốc tế khuyến nghị khoảng cách an toàn ít nhất là 90 mét và 240 mét là lý tưởng. Trong khi đó, theo các quan chức Hàn Quốc, bờ kè tại sân bay Muan cách cuối đường băng 250 mét và đã được xây dựng theo tiêu chuẩn, chỉ ra các cấu trúc tương tự tại các sân bay ở châu Âu và Mỹ.
Tiến sĩ Ian Douglas, một chuyên gia hàng không tại Đại học New South Wales cho biết, các tiêu chuẩn đó đã được các sân bay lớn áp dụng rộng rãi, được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên hợp quốc sửa đổi thường xuyên và đã chứng kiến hầu hết các máy bay vượt rào hạ cánh an toàn. Theo ông Douglas, thiết kế của các rào chắn đường băng khác nhau tùy thuộc vào từng sân bay, tùy thuộc vào môi trường xung quanh riêng biệt của chúng.
Theo ông Geoffrey Thomas, biên tập viên của trang web hàng không 42.000 Feet, các thiết bị cần thiết như máy định vị không phải là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn vượt quá giới hạn. “Hãy nhìn vào Sân bay Sydney, họ có máy định vị và họ có đủ loại thiết bị ở cả hai đầu đường băng và trong một số trường hợp, đường băng sẽ nối ra biển. Nếu một máy bay chạm đất ở nơi mà nó được cho là sẽ chạm đất thì sẽ không có vấn đề gì”, ông Thomas nói và lưu ý, máy bay của Jeju Air đã bay qua đường băng dài 2.800 mét nhưng chỉ chạm đất và bắt đầu mất đà khi đã đi gần nửa đường băng.
Trong trường hợp máy bay chạm đất muộn trên đường băng, như chuyến bay của Jeju Air, một khoảng cách an toàn mở rộng có thể ngăn máy bay bị rơi, nhưng sẽ rất khó để lắp đặt lại, ông Thomas cho biết thêm.
Theo tiến sĩ Douglas, một khoảng dừng thường được lắp đặt ở cuối đường băng để giảm tốc máy bay giống như sỏi rời làm chậm tốc độ của xe khi nó chạy khỏi đường đua Công thức 1. Nhưng liệu rào chắn có nên được xây dựng bằng vật liệu thay thế nhẹ hơn để có khả năng bị biến dạng và nhường đường nếu bị máy bay đâm hay không?
Các quan chức Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết, họ sẽ xem xét liệu bộ định vị của sân bay Muan có nên được làm bằng vật liệu nhẹ hơn, dễ vỡ hơn hay không. Bộ định vị tuân theo hướng dẫn của ICA; nhưng việc lắp đặt nó trên một bức tường ở cuối đường băng có thể sẽ được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình đánh giá vụ tai nạn.
Ông Thomas cho biết, việc không có rào chắn bê tông có thể chỉ khiến máy bay đâm vào hệ thống dẫn đường bằng thép hoặc vào đường hoặc mương ở phía xa. "Nó sẽ đâm vào đó và kết quả cũng sẽ tương tự. Đó là thảm kịch cuối cùng trong một loạt các lỗi và vấn đề liên tiếp", ông Thomasm nói.