Giám sát - Phản biện

Tránh mất tiền thật từ tiền ảo

Đức Sơn - Tuấn Minh 17/02/2025 09:48

Lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá nhiều sàn giao dịch đầu tư tiền ảo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần đây cho thấy mối hiểm họa của loại hình lừa đảo này vẫn đang diễn biến khó lường.

tr10.jpg
Nhóm đối tượng cầm đầu trong đường dây lừa đảo đầu tư tiền ảo BTC vừa bị Công an tỉnh Hà Tĩnh triệt phá. Ảnh: BCA.

Ma trận lừa đảo đầu tư tiền ảo

Thông qua mạng xã hội, ông L.Q.H. (trú tại Đồng Nai) được tài khoản Facebook có tên “Hoàng Huyền Trang” kết bạn, mời gọi đầu tư tiền số với lợi nhuận cao. Ông H. đã chuyển 8 triệu đồng vào tài khoản đứng tên Công ty Tran toan investment company, sau nhiều lần chuyển tiền rồi rút ra được cả vốn lẫn lời. Các đối tượng tiếp tục đưa ra chiêu bài dụ dỗ nâng cao vốn đầu tư, nên ông H. đến ngân hàng để tất toán sổ tiết kiệm số tiền 2,1 tỷ đồng để chuyển cho đối tượng. Lúc này, người thân của ông H. phát hiện dấu hiệu lừa đảo nên nhờ lực lượng Công an hỗ trợ. Nhờ vậy, ông H. đã kịp thời dừng giao dịch với số tiền 2,1 tỷ đồng cho các đối tượng, tránh bị lừa đảo.

Không may mắn như ông H., bà T. (trú tại Hà Nội) đã bị lừa nhiều tỷ đồng qua hình thức đầu tư tiền ảo. Bà T. cho biết, qua mạng xã hội Facebook, bà kết bạn và trò chuyện với tài khoản “Nguyễn Thị Thùy Dung”. Sau một thời gian, đối tượng trên mời bà T. tham gia đầu tư tiền ảo thông qua website: http://www.mcprimetrusted.com/#/asets. Bà T. đã làm theo hướng dẫn của đối tượng, tiến hành tạo tài khoản và chuyển tiền để đầu tư. Với lời quảng cáo hấp dẫn, bà T. đã nạp 5 tỷ đồng để nhận 350.000 USDT (tương đương 9 tỷ đồng). Khi bà T. muốn rút số tiền lãi trên các đối tượng yêu cầu phải đóng tiếp 20% tổng số dư tài khoản tương ứng 1,8 tỷ đồng (trong 5 tiếng đồng hồ); đóng 15% tiền mua bảo hiểm tiền gửi tương ứng 1,6 tỷ đồng và nộp tiếp 3% tương ứng 360 triệu đồng tiền phí để chuyển nhanh tiền về tài khoản cá nhân. Bà T. tiếp tục nộp 1,2 tỷ đồng nhưng vẫn không rút được tiền. Lúc này, biết mình bị lừa, bà T. mới đi báo Công an.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều sàn giao dịch đầu tư tiền ảo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho thấy vấn nạn lừa đảo này vẫn diễn biến phức tạp. Điển hình, tháng 12/2024, Công an TP Hà Nội đã triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trái phép do Phó Đức Nam (SN 1994) cầm đầu. Đường dây lừa đảo này đã lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng của các bị hại.

Hay như vụ việc Hồ Quốc Thân (SN 1992) thành lập Công ty cổ phần Triệu Nụ Cười (trụ sở tại An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) và chia sẻ về việc phát hành đồng tiền lượng tử QFS và gọi vốn đầu tư vào hoạt động này. Điều kiện tham gia vào hệ sinh thái của Triệu Nụ Cười là các cá nhân, doanh nghiệp phải bỏ tiền “trợ duyên” để sở hữu đồng tiền QFS với mức giá từ 4 - 5 triệu đồng/1 QFS cho cá nhân và 39 triệu đồng/ 1 QFS cho doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về đồng QFS với nhiều yếu tố tâm linh, Cơ quan điều tra xác định, tổng doanh thu từ việc bán đồng QFS của Hồ Quốc Thân là khoảng 30 tỷ đồng.

Ngày 13/2 vừa qua, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố 50 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây là đường dây lừa đảo dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin (BTC) trên ứng dụng UNISAT, hoạt động tinh vi, xuyên quốc gia, lừa đảo hàng nghìn bị hại, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự

Theo giới chuyên gia tài chính, nguyên nhân chính khiến nhiều người “sập bẫy” lừa đảo tiền ảo là do thiếu hiểu biết nên bị hoa mắt bởi những lời hứa lợi nhuận cao. Đối tượng lừa đảo dựng lên kịch bản vô cùng tinh vi, thậm chí giả danh chuyên gia tài chính để dụ dỗ nạn nhân đầu tư vào những sàn giao dịch tiền ảo do các đối tượng lập ra. Ban đầu, chúng trả lợi nhuận cao để tạo lòng tin cho khách hàng. Khi khách hàng đã “ham” và tin tưởng móc “hầu bao” đầu tư số tiền lớn để hưởng lợi nhuận lớn hơn, lúc này các đối tượng lừa đảo lập tức “ôm tiền” biến mất, khiến người đầu tư trắng tay.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra khuyến cáo, người dân cần cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo. Tuyệt đối không tin vào các lời mời đầu tư lợi nhuận cao, không tham gia vào các nhóm kín hoặc cộng đồng trực tuyến dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa xác minh được danh tính, uy tín của tổ chức, không rõ nguồn gốc.

Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã đưa ra khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo. Nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm.

Trao đổi về các chế tài xử lý loại hình lừa đảo liên quan đến tiền ảo, luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, việc một số người kêu gọi nhà đầu tư mua “tiền ảo”, người chơi “tiền ảo” là vi phạm pháp luật. Theo Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với các đối tượng quen biết qua mạng xã hội đã lôi kéo mời chào người dân tham gia đầu tư tiền ảo, sau khi nhận được một số tiền lớn do người dân đầu tư vào thì các đối tượng này đã đánh sập sàn đầu tư và “mất tích”. Đây là hành vi có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh mất tiền thật từ tiền ảo