“Thực ra, các tiêu chuẩn về cam kết lao động trong một số FTA thế hệ mới không có gì mới. Thế nhưng 4 tiêu chuẩn về lao động được đề cập vì xuất phát từ thương mại công bằng” – ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH nhận định.
Các ngành hàng sản xuất trong nước cần tìm hiểu kỹ về cam kết lao động tại các hiệp định.
Cam kết về lao động trong FTA
Trong giai đoạn 2016 – 2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các FTA mà Việt Nam tham gia đều từng bước cắt giảm hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan. DN nên tận dụng cơ hội trên để phát triển việc sản xuất kinh doanh cho hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo DN về những tác động không ngờ làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng. Đơn cử như cam kết về lao động. Theo cam kết, nếu một nước nào duy trì tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng thì được cho là có chi phí sản xuất thấp hơn các nước thực hiện tiêu chuẩn lao động cao. Điều này vô hình trung dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng dựa trên quyền lao động rẻ.
“Thực ra, các tiêu chuẩn về cam kết lao động trong một số FTA thế hệ mới không có gì mới. Thế nhưng 4 tiêu chuẩn về lao động được đề cập vì xuất phát từ thương mại công bằng” – ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH nhận định.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay, cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) đều bắt buộc các bên tham gia hiệp định thực hiện quyền tự do liên kết và thương lượng; xóa bỏ lao động cưỡng chế, bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động. “DN dệt may, da giày vốn sử dụng nhiều lao động cần phải chú ý đến vấn đề này, tránh những rủi ro không đáng có” – bà Trang nhấn mạnh.
Theo bà Trang, có thể việc sử dụng lao động trẻ em không ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện cam kết, hoặc đối tác không dừng cắt giảm thuế quan. Khó khăn ở chỗ, thông tin DN sử dụng lao động trẻ em lan truyền trên thị trường khiến người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm. Cuối cùng DN xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng, thị trường tiêu thụ có nguy cơ bị thu hẹp.
Đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập thông tin thêm, từ trước đến giờ ngành dệt may và da giày chưa bị sự cố trên. Ngành thủy sản bị rất nhiều về vấn đề lao động trẻ em, điều kiện sản xuất không đạt, môi trường chưa tốt. Sự cố trên có thể xuất phát từ cuộc khảo sát của một hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng nào đó. Tóm lại, thị trường xuất khẩu khó tính của những thành viên trong các FTA thế hệ mới mong muốn trong sạch toàn bộ hệ thống sản xuất kinh doanh chứ không phải còn tồn tại vài chấm đen.
Những quy định cần chú ý
Cũng nằm trong khuôn khổ của cam kết lao động, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, trong một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cam kết lao động là điều mà DN Việt cần chú ý để tránh vi phạm. Điển hình, trong quy định bình đẳng, không được phân biệt đối xử trong lao động đối với giới, quấy rối tình dục; thai sản, trách nhiệm gia đình; tuổi tác. DN Việt mà hỗ trợ phụ nữ nuôi con nhỏ bằng thời gian hay có chế độ cụ thể như hiện nay lại vi phạm quy định bình đẳng giới trong lao động. Bởi vì theo quan niệm của các nước, nam hay nữ đều phải có trách nhiệm với gia đình. Ông Bình khẳng định: “DN đừng nghĩ đơn giản về cơ chế giám sát trong thực hiện cam kết lao động mà vi phạm. Cơ chế giám sát thị trường luôn tồn tại buộc DN phải để ý mà tuân thủ. Cơ chế giám sát thị trường quan trọng hơn cả cơ chế giám sát chính thức”.
Bàn về cam kết lao động trong các FTA thế hệ mới, Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu, có thể mức lương của lao động Việt Nam là 200 USD, Singapore là 2.000 USD, song điều kiện xác lập phải có nguyên lý để đảm bảo quyền lợi người lao động. Nghĩa là, bảng lương do DN quyết định (ngoại trừ lương cơ bản) nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa và công bằng về lợi ích.
Nhiều FTA thế hệ mới có hiệu lực giúp hàng hóa nước ngoài ồ ạt vào thị trường Việt Nam, nhưng ở chiều ngược lại các FTA cũng được xem là tấm vé “thông hành” để Việt Nam mở rộng thị trường nước ngoài. Cứ theo lộ trình, DN Việt Nam buộc phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về cam kết lao động ở mức độ phù hợp với Việt Nam, sau đó điều chỉnh từ từ. Bởi Việt Nam không thực hiện từ 3 năm đầu các nước chưa dừng việc cắt giảm, xóa bỏ thuế quan ưu đãi. 5 năm sau chưa thực hiện thuế quan vẫn thực hiện bình thường nhưng có 2 năm nữa để rà soát và đưa ra kết luận cuối cùng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động được coi trọng. Do người lao động trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm trong thương mại quốc tế. Theo Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nếu như thời điểm thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chỉ có 4 FTA có nội dung về lao động thì từ 2008 – 206 có 77 FTA có nội dung này, chiếm 64%.