Nghiên cứu khoa học trong học sinh phổ thông nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, vận dụng thực tiễn. Hàng năm, rất nhiều dự án, ý tưởng được đánh giá cao và được trao giải. Dẫu thế, không ít băn khoăn đặt ra tính ứng dụng thực tiễn của những nghiên cứu được trao giải ra sao?
Vừa rồi, 12 dự án đã được trao giải Nhất trong Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2024-2025. Thông tin từ Ban tổ chức cho thấy, cuộc thi có tổng số 212 dự án dự thi, trong đó có 190 dự án của học sinh cấp THPT và 22 dự án của học sinh THCS.
Trong số 12 dự án được trao, một số nhiều dự án rất thiết thực có thể triển khai trong thực tiễn. Đơn cử: Dự án Mũ bảo hiểm tiện ích AT-05 của nhóm học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh). Dự án Talkie Vbot - Robot hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật ngôn ngữ, của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng). Dự án Xe lăn tự hành hỗ trợ người mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên trong di chuyển và giao tiếp của nhóm học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị (Quảng Trị)... Theo Bộ GDĐT những dự án đạt giải cao nhất và có đủ điều kiện sẽ được lựa chọn để tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học dự kiến diễn ra vào tháng 5/2025 tại Mỹ.
Được Bộ GDĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013, từ đó đến nay, cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học (lần lượt diễn ra ở các địa phương khác nhau). Trước đó, trong năm 2024, Bộ GDĐT đã có Thông tư 06 ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT thay thế quy chế ban hành từ năm 2012. So với quy chế trước đây, quy chế mới đã có nhiều thay đổi, khác biệt về mục đích, yêu cầu, quy trình tổ chức. Quy chế mới của cuộc thi đã cho thấy nhiều điểm tích cực và tiến bộ khi khuyến khích, đề cao các yêu cầu, giá trị trung thực, tự nguyện và vừa sức đối với học sinh phổ thông.
Không phải cho đến bây giờ mà nhiều năm qua, những vấn đề liên quan đến cuộc thi đã từng được đề cập. Đơn cử như việc các trường “thuê” các cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cho học sinh. Giáo viên tự làm, tự thiết kế, sau đó hướng dẫn cho học sinh tập luyện để thuyết trình, để biến sản phẩm của giáo viên thành của học sinh. Cùng đó, không ít tên các dự án nghiên cứu khoa học vượt quá tầm học sinh phổ thông và không hề được ứng dụng trong thực tế. Mới đây cũng đã có những nghi ngờ đặt ra với một trong số 12 đề tài vừa được Bộ GDĐT trao giải. Đã có ý kiến cho rằng, đề tài đó khá giống với một sản phẩm của chuyên gia nước ngoài…
Nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông là động lực thúc đẩy đổi mới nhận thức, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, nhưng định hướng ra sao để những nghiên cứu vừa sức thì lại không dễ. TS Nguyễn Viết Hương - Phó Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu (Trường ĐH Phenikaa) chia sẻ, có thể nhiều nơi đang quá coi trọng thành tích nên gây áp lực đến học sinh trong việc thi cử, tranh giải. Bởi lẽ, nếu một sản phẩm được tạo ra từ nghiên cứu thực chất và có tâm huyết thì nó phải mất rất nhiều thời gian. Không thể phủ nhận thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh phổ thông của Việt Nam hiện nay rất giỏi và khá nhạy bén. Tuy nhiên, thời gian của học sinh bị chiếm rất nhiều vào việc học tập chính khóa, vì thế để các em làm được một dự án nghiên cứu khoa học với cấp độ như vậy là rất hiếm và không khả thi.
Theo các chuyên gia, nếu niềm đam mê không xuất phát từ bản thân mà xuất phát từ phong trào sẽ khiến cho những đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh tiềm ẩn căn bệnh thành tích. Đề tài tuy “đao to búa lớn” nhưng tính ứng dụng vào thực tế còn bỏ ngỏ. Điều đáng nói nhất là hàng chục đề tài giải thưởng được vinh danh ồn ào, rầm rộ thường niên, nhưng sau khi trao giải xong thì chưa thấy được ứng dụng ở đâu cả.