Sức khỏe

Tránh ‘sập bẫy' giảm cân

Đức Trân 13/07/2025 08:36

Chỉ vì tin vào những quảng cáo giảm cân cấp tốc, nhiều người đã tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng trôi nổi, không rõ nguồn gốc để rồi nhập viện trong tình trạng tổn thương gan, não, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

bai chinh - Sao chép
Khám, tư vấn giảm cân khoa học cho bệnh nhân béo phì. Ảnh: BV Việt Đức.

Khi mong muốn giảm cân nhanh rơi vào bẫy

Không ít người tin rằng chỉ cần một loại thực phẩm chức năng được quảng cáo hấp dẫn là có thể nhanh chóng sở hữu thân hình lý tưởng. Thế nhưng, sau những lời hứa hẹn "giảm 7kg trong 7 ngày" là không ít cái giá phải trả không chỉ bằng tiền bạc, mà đôi khi là cả sức khỏe, thậm chí tính mạng.

Đầu tháng 7, Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận một bệnh nhân nữ 40 tuổi nhập viện trong tình trạng tổn thương da toàn thân, niêm mạc viêm loét, sốt cao kéo dài. Trước đó, chị đã sử dụng hai sản phẩm “giảm mỡ bụng” và “collagen” không rõ nguồn gốc, được một người quen giới thiệu qua mạng xã hội. Sau gần một tháng, chị xuất hiện ban đỏ, viêm loét miệng, cơ thể suy kiệt.

ThS.BS Danh Bảo Khánh – bác sĩ trực tiếp điều trị tại Khoa Da liễu – Dị ứng (Bệnh viện Quân y 175) cho biết: “Phát ban dạng dát sẩn, hồng ban đa dạng là một phản ứng da cấp tính do dị ứng thuốc, có thể nhanh chóng chuyển sang hội chứng Stevens - Johnson hoặc Lyell. Đây là những thể nặng, có tỉ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Trường hợp này được phát hiện và can thiệp sớm, nhưng nếu đến muộn vài ngày thì nguy cơ biến chứng nặng rất lớn”.

Một trường hợp khác, mới đây Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 21 tuổi (Hà Nội) trong tình trạng tổn thương não nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định do uống thuốc giảm cân mua trên mạng xã hội, sản phẩm chứa chất cấm sibutramin – một hoạt chất từng được sử dụng trong điều trị béo phì nhưng đã bị nhiều nước, trong đó có Việt Nam, cấm lưu hành từ năm 2011 vì nguy cơ gây tổn thương tim mạch, thần kinh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ sau một tháng uống mỗi ngày một viên thuốc, bệnh nhân không chỉ sụt cân mà còn rơi vào trạng thái hôn mê, tổn thương vùng đồi thị hai bên – vùng não có vai trò quan trọng trong điều hòa thần kinh và vận động.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc cảnh báo: “Sibutramin có cấu trúc tương tự ma túy amphetamine, làm tăng nguy cơ đột quỵ, tổn thương thần kinh và tim mạch. Không ít bệnh nhân bị hôn mê, co giật, thậm chí tử vong sau khi dùng các sản phẩm chứa chất này”.

Điểm chung giữa hai trường hợp là cả hai bệnh nhân đều không có bệnh lý nền, đều sử dụng sản phẩm giảm cân được quảng cáo rộng rãi trên mạng xã hội và đều không tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi sử dụng.

Thực tế, không ít người đã đặt niềm tin vào những sản phẩm được gắn mác "tự nhiên", “xuất xứ ngoại”, hay “review tốt từ người nổi tiếng”. Điều khiến nhiều người dễ mắc bẫy là tâm lý nóng vội, ngại thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt. Thay vì tập luyện và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng một cách nghiêm túc, nhiều người chọn cách “uống gì đó cho nhanh”. Nhưng chính sự “tiện lợi” ấy lại là khởi đầu cho những hệ lụy khôn lường.

Theo các chuyên gia, nhiều sản phẩm giảm cân hiện nay dù gắn mác “thực phẩm chức năng” vẫn chứa các hoạt chất dược lý có độc tính cao.

Khi được hỏi vì sao vẫn lựa chọn các sản phẩm này, không ít người thừa nhận rằng họ “không biết là nguy hiểm” hoặc “người khác dùng thấy hiệu quả thì dùng theo”. Một số khác thì “ngại đến bệnh viện” hoặc đơn giản là “thử xem sao”. Chính tâm lý chủ quan, cộng với sự thiếu cảnh giác và kiến thức y tế căn bản, đã khiến không ít người tự biến mình thành nạn nhân.

Giảm cân an toàn – không thể thiếu vận động và ăn uống khoa học

Theo các bác sĩ chuyên ngành dinh dưỡng, mọi phương pháp giảm cân “thần tốc” đều đi ngược lại với cơ chế sinh lý bình thường của cơ thể. Những sản phẩm giảm cân nhanh thường chứa chất gây chán ăn, tăng đào thải, đồng thời ảnh hưởng đến tim mạch, thần kinh. Khi sử dụng trong thời gian dài hoặc với liều không kiểm soát, các chất này sẽ khiến cơ thể suy kiệt, rối loạn nội tiết, tổn thương gan, thận và não bộ. Việc sụt cân nhanh chóng nhưng mất cơ, giữ mỡ hoặc làm chậm chuyển hóa còn gây hiệu ứng ngược: tăng cân trở lại nhanh hơn sau khi ngừng dùng thuốc, kèm theo hệ miễn dịch yếu và các biến chứng lâu dài.

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến – Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khẳng định: phương pháp giảm béo an toàn nhất vẫn là kiểm soát năng lượng ăn vào kết hợp với tăng tiêu hao thông qua vận động thể lực và lối sống điều độ. “Không có cách nào khác,” ông nhấn mạnh, “ngoại trừ những người béo phì do bệnh lý đặc biệt, còn phần lớn đều phải chấp nhận điều chỉnh lối sống, cụ thể là ăn uống và tập luyện một cách khoa học và lâu dài”.

BS Lê Thị Hải – Viện Dinh dưỡng Quốc gia lưu ý thêm: không nên kỳ vọng vào thực phẩm chức năng như một “cứu cánh” cho cân nặng: “Cho dù bạn dùng bất cứ loại thuốc hay sản phẩm hỗ trợ nào thì cũng cần phải nghiêm túc điều chỉnh lại chế độ ăn uống, luyện tập, cũng như lối sống hàng ngày thì mới có thể kiểm soát cân nặng một cách hiệu quả và bền lâu”.

Ngoài việc tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, người dân cũng cần duy trì giấc ngủ đều đặn, tránh thức khuya và hạn chế stress – các yếu tố có thể kích thích cảm giác thèm ăn và thúc đẩy tích lũy mỡ nội tạng.

Giảm cân bền vững không thể thiếu sự kiên trì và theo dõi đều đặn. Cân nặng nên được kiểm tra định kỳ vào cùng một thời điểm trong ngày, ưu tiên vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Người giảm cân cũng nên chọn hình thức vận động phù hợp với thể trạng và điều kiện sống – từ đi bộ, chạy, đạp xe đến các việc nhẹ như lau dọn, nấu ăn… Quan trọng là duy trì đều đặn ít nhất 4 - 5 buổi mỗi tuần và không ngừng điều chỉnh để phù hợp với nhịp sinh học cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh ‘sập bẫy' giảm cân