Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Tránh 'sập bẫy' lừa đảo

Thế Vinh 19/12/2024 10:50

Thời gian qua, bẫy lừa đảo nở rộ ở nhiều lĩnh vực. Mặc dù cơ quan chức năng đã liên tiếp ngăn chặn, cảnh báo nhưng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các nhóm lừa đảo vẫn không ngừng tung ra chiêu trò mới khiến nhiều người “sập bẫy”. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.

Mới đây, một báo cáo cho thấy Việt Nam đang đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về số vụ lừa đảo tài chính, chỉ sau Thái Lan và Indonesia. Cụ thể, trong năm 2024 Việt Nam đã ghi nhận 40.102 vụ lừa đảo tài chính.

Những vụ lừa đảo đã lấy đi số tiền không nhỏ. Một trong những vụ án nổi bật gần đây là vụ lừa đảo của TikToker Mr Pips (Phó Đức Nam), khiến 2.661 người bị hại với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến 28.443 tỷ đồng. Hình ảnh hào nhoáng, siêu xe, đồ hiệu và lời hứa về lợi nhuận đầu tư "dễ dàng và nhanh chóng" của Mr Pips đã thu hút hàng nghìn người tin tưởng đầu tư. Trong đó có cả một nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm trong thị trường chứng khoán, tưởng mình đang tham gia vào một dự án hợp pháp, đã bị lừa mất hơn 10 triệu USD chỉ trong vài tháng. Số tiền chiếm đoạt được Phó Đức Nam mua sắm siêu xe, đồng hồ đắt tiền và trả lương cho khoảng 1.000 nhân viên để tiếp tục "săn" con mồi mới.

Các hình thức lừa đảo năm 2024 cho thấy mức độ đa dạng, ngày càng tinh vi, khó lường. Các băng nhóm lừa đảo không ngừng cải tiến phương thức của mình bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo deepfake để tạo video và giọng nói giả mạo, cùng với chatbot tự động để giao tiếp liên tục với nạn nhân. Những công nghệ này khiến người dùng khó phân biệt được thật - giả, dễ dàng bị mắc bẫy.

Khó có thể kể hết những trường hợp người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc trong thời gian gần đây. Người già mắc nhiều, và người trẻ bị các đối tượng xấu thao túng tâm lý cũng không ít.

Một điều đáng lưu ý, theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ mỗi 220 người dùng điện thoại thông minh, có 1 người trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Mặc dù 88,98% người dùng đã cảnh báo với người thân bạn bè khi bị lừa đảo, nhưng chỉ có 45,69% trong số đó báo cáo với cơ quan chức năng, dẫn đến khả năng thu hồi số tiền bị lừa hạn chế. Giới chuyên gia nhấn mạnh rằng việc báo cáo kịp thời không chỉ giúp nạn nhân có thể thu hồi một phần hoặc toàn bộ tài sản mà còn ngăn chặn các hành vi phạm pháp tiếp tục diễn ra.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Công nghệ (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia) dự báo “tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025”. Do đó, người dùng cần nâng cao cảnh giác, không chia sẻ thông tin cá nhân với người lạ, đặc biệt phải tạo thói quen xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền. Hãy luôn thận trọng, kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trước khi đầu tư hay cung cấp thông tin cá nhân, nhất là mã OTP, chuyển khoản, đặt mua hàng, hoặc cung cấp tài khoản ngân hàng… Ngay cả những việc tưởng chừng quá quen thuộc như tiền điện nước, tiền học phí của con, chuyển khoản cho shipper… cũng cần nghi ngờ khi có người lạ gọi điện nhắc nhở, yêu cầu.

Cuối năm là thời điểm nhiều lễ hội mua sắm và đầu tư hấp dẫn, nhưng cũng chính là thời điểm bùng nổ các hoạt động lừa đảo trực tuyến. Tỉnh táo, đừng để mình trở thành “con mồi” tiếp theo của các băng nhóm lừa đảo tinh vi.

Xin nhắc lại, số tiền bị lừa đến 18.900 tỷ đồng của người dân năm 2024 là một minh chứng rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Đừng để các khoản tiền cá nhân của mình đóng góp vào con số tiếp theo trong thống kê này!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh 'sập bẫy' lừa đảo