Kinh tế

Tránh 'sập bẫy' trong giao thương quốc tế

H.Hương 12/12/2023 07:27

Kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp Việt tham gia nhiều “sân chơi” lớn và cần phải thích ứng với nhiều “luật chơi” khác nhau. Điều này mở ra nhiều cơ hội song nguy cơ tranh chấp, thậm chí bị “sập bẫy” lừa đảo cũng lớn và phức tạp hơn. Theo Bộ Công thương, tình trạng lừa đảo trong xuất nhập khẩu không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, châu Phi mà còn có ở các thị trường lớn, uy tín.

anhcover.jpg
Doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với nhiều rủi ro khi còn chủ quan và thiếu hiểu biết về đối tác trong giao dịch thương mại quốc tế. Ảnh: Quang Vinh.

Từ hồi tháng 7, các doanh nghiệp (DN) hồ tiêu, quế, điều bị lừa đảo 5 container với trị giá lô hàng là 516.761 USD. Theo đó, hàng đi Việt Nam đến Jebel Ali Dubai (UAE), sau đó hàng bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán gồm 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container điều. Đáng chú ý, một lô hàng còn bị mất chứng từ gốc.

Liên tiếp dính bẫy

Vụ việc được kể lại: Hiệp hội Điều Việt Nam nhận được kêu cứu của Công ty Tín Mai (trụ sở tại TPHCM, chuyên kinh doanh xuất khẩu (XK) hạt tiêu, điều, cà phê…) với nội dung: DN này ký hợp đồng bán nhân điều cho một công ty trong lĩnh vực thực phẩm có trụ sở đặt tại số 1006, tòa tháp Mai, Al Nahda, Dubai. Sau khi ký kết, khách hàng đã ứng cho Công ty Tín Mai 15% giá trị đơn hàng. Công ty Tín Mai đã giao hàng và ngày 24/6/2023 đã đến cảng Jebel Ali, UAE. Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27/6/2023, trong khi Công ty Tín Mai vẫn chưa được thanh toán 85% trị giá lô hàng. Phía Ngân hàng Sacombank đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua (tạm thời chưa nêu tên) yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ, nhưng không được thực hiện.

Qua kiểm tra thì bộ chứng từ của lô hàng đã được DHL (tập đoàn quốc tế trong ngành logistics) giao cho 1 nhân viên an ninh của ngân hàng bên mua, nhưng chưa biết sau đó bộ chứng từ đến đâu. Trong khi đó, phía hãng tàu vận chuyển hàng cho biết, họ giao hàng khi có đầy đủ chứng từ theo quy định.

Điểm yếu của DN Việt Nam là quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế nên liên tiếp gặp trục trặc khi giao thương quốc tế.

Trước đó hồi tháng 8/2022, một công ty Việt Nam đã XK sang Algeria 5 container hạt điều qua trung gian là một DN đặt tại Nam Phi. Công ty trung gian Nam Phi đã đặt cọc 10% giá trị tiền hàng. Tuy nhiên, khi hàng đến cảng Mostaganem (Algeria), khách hàng là Công ty Eurl ATS Food không thể làm thủ tục thông quan vì công ty này bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các DN gian lận thương mại từ tháng 6/2022 (danh sách này không được phía Algeria công bố).

Chủ hàng là DN Việt Nam và hãng tàu đã làm thủ tục đổi người nhận hàng là Công ty Eurl Azur Oran (Algeria) theo đề nghị của trung gian tại Nam Phi, song hải quan Algeria không chấp nhận với lý do công ty này mất năng lực pháp lý để thực hiện các thủ tục như nhập khẩu, đổi DN nhận hàng thay thế hay tái xuất hàng. Tình trạng DN nghi dính án lừa khi XK hàng hóa còn xuất hiện ở những thị trường đầy uy tín như Canada hay Ý.

Theo bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, tình trạng lừa đảo XK hàng hóa vào Canada đang diễn ra với chiêu thức tinh vi, diễn biến phức tạp. Một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các DN lớn của Canada và dùng vỏ bọc này để lừa đảo DN Việt Nam.

Các hình thức lừa đảo phổ biến là: gọi điện trực tiếp, email (đuôi email miễn phí như Gmail, Hotmail…) hoặc thông qua các ứng dụng Whatsapp, Viber để gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh, thậm chí gửi cả chứng nhận ngân hàng (tài khoản, số dư); chứng nhận nộp thuế… để xác nhận uy tín; sau đó trao đổi đặt hàng, gửi hợp đồng (thường yêu cầu giá CIF), đóng dấu đầy đủ.

Khi DN Việt Nam đề nghị chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu một số loại chứng nhận (thường là không tồn tại), thậm chí gửi bản mẫu các chứng nhận này cho DN Việt Nam. Các đối tượng lừa đảo XK khẳng định đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện của Chính phủ Canada hoặc chính quyền phủ, tỉnh, bang trước khi chuyển tiền. Sau đó, các đối tượng sẽ giới thiệu một luật sư hoặc người môi giới để hỗ trợ hoặc thay mặt DN Việt Nam làm các chứng nhận này tại các cơ quan công quyền Canada.

Thương vụ Việt Nam tại Canada cảnh báo, các DN Việt Nam cần lưu ý, khi các DN Canada đề nghị bên XK tự đứng ra làm các chứng chỉ của Canada và coi đây là yêu cầu bắt buộc của giao dịch thì hầu hết đều là lừa đảo XK. Vì các DN nhập khẩu thường sẽ đứng ra thực hiện các thủ tục ở sở tại. Các chứng chỉ như Canadian Anti-Terrorist Clearance Certificate, Canadian Food Inspection Agency, Canada Border Services Agency… đều không có thật.

anh-to.jpg
Các doanh nghiệp của Việt Nam bị lừa đảo 5 container điều với trị giá lô hàng là 516.761 USD (khoảng 11,9 tỷ đồng). Ảnh: Thu Huyền.

Nhận diện các dạng tranh chấp

Ông Nguyễn Duy Hưng - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cho biết, các vụ việc tranh chấp thương mại giữa DN Việt Nam với DN Ai Cập trong thời gian qua, cho thấy có 2 dạng tranh chấp chính. Thứ nhất là tranh chấp thương mại có phần yếu tố khách quan tại thị trường. Đây là tranh chấp khá phổ biến trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến vấn đề chậm thanh toán của các ngân hàng do thiếu ngoại tệ. Rất nhiều DN XK không có nhiều lựa chọn khi hàng cập cảng nhưng bên mua không thể thanh toán tiền hàng theo hợp đồng cũng như không có được bất kỳ cam kết nào của ngân hàng về thời hạn thanh toán.

Khi đó, hàng hóa phải nằm chờ tại cảng dài ngày dẫn tới phát sinh chi phí lưu kho bãi, chất lượng hàng hóa xuống cấp chưa kể đến giá cả thay đổi trên thị trường dẫn đến tranh chấp về chia sẻ thiệt hại. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, trong nhiều trường hợp, DN XK phải chấp nhận giao hàng trước (nếu không muốn kéo hàng về hoặc bị hải quan phát mãi do quá thời hạn cho phép) và chuyển sang hình thức thanh toán trả chậm nhằm giảm thiểu tổn thất với hy vọng sẽ nhận được thanh toán đúng hạn.

Thứ hai là trường hợp tranh chấp thương mại có dấu hiệu gian lận, lừa đảo. Tranh chấp này thường liên quan đến hợp đồng ký qua môi giới khi DN không liên lạc trực tiếp với nhà nhập khẩu và mọi thông tin trao đổi đều phải qua người môi giới.

“Đã có trường hợp người môi giới giả danh thư của bên nhập khẩu gửi cho DN Việt Nam đề nghị chuyển các lô hàng sớm dẫn đến bên nhập khẩu không đồng ý nhận hàng do sai so với tiến độ giao hàng theo hợp đồng, buộc DN Việt Nam phải giảm giá gây thiệt hại không nhỏ. Trong khi hợp đồng ký với người môi giới không chặt chẽ, không có ràng buộc trách nhiệm về mặt thu hồi đủ tiền hàng nên tranh chấp phát sinh và bên XK luôn phải gánh chịu phần thiệt hại. Ngoài ra, bên nhập khẩu còn có thể lấy lý do khó khăn, kinh doanh thua lỗ để yêu cầu nhận hàng trước và thanh toán tiền hàng sau thành nhiều đợt, tuy nhiên sau đó liên tục trễ hẹn và cuối cùng gây sức ép đòi giảm giá hoặc không thanh toán tiền hàng đợt cuối” - ông Hưng nói.

Vậy, cách nào để hạn chế rủi ro? Thời gian qua, Bộ Công thương đã nhiều lần cảnh báo các DN Việt Nam khi giao dịch với các DN nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất. Theo đó, các DN nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, những trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường...

Ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc Điều hành Hiệp hội DN Ý tại Việt Nam (ICHAM) cho rằng, DN cần kiểm tra kỹ lưỡng đối tác, tìm hiểu các quy định về nguồn gốc xuất xứ, đặc thù thị trường, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cẩn trọng thanh toán quốc tế trong đó lưu ý phương thức D/P, cần có thói quen trong sử dụng các dịch vụ pháp lý. Có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với cơ quan Thương vụ, Phòng Thương mại và các tổ chức hỗ trợ khác.

Còn theo ông Nguyễn Duy Hưng, DN Việt Nam XK vào thị trường Ai Cập trong giai đoạn hiện nay cần chú ý xem xét kỹ các điều khoản hợp đồng về điều kiện giao nhận hàng, hình thức thanh toán và bổ sung điều khoản xử lý các phát sinh như trường hợp hàng hóa phải lưu tại cảng dài ngày do vấn đề chậm thanh toán từ phía đối tác nhằm giảm thiểu rủi ro khi thực hiện hợp đồng; hạn chế việc ký hợp đồng thông qua môi giới. Trường hợp ký hợp đồng với bên môi giới, cần làm rõ trách nhiệm của môi giới trong việc thu hồi đủ tiền hàng hoặc các điều kiện để thanh toán tiền hoa hồng. Các hợp đồng cần có điều khoản thanh toán trước ít nhất 30% giá trị theo thông lệ tại địa bàn. Đặc biệt, khi có bất cứ yêu cầu thay đổi nào từ nhà nhập khẩu, DN cần kiểm tra, xác thực lại thông tin người gửi và yêu cầu đối tác gửi văn bản chính thức để có cơ sở giải quyết khi xảy ra tranh chấp.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria cũng cho rằng, DN Việt Nam cần tìm kiếm đối tác qua các kênh như tham gia chương trình xúc tiến thương mại, dự hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn DN, các cuộc giao thương trực tiếp, trực tuyến, qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại, thương vụ và bạn hàng quen thuộc; Thận trọng khi tìm kiếm bạn hàng qua mạng Internet hoặc giao dịch với đối tác chủ động tìm đến DN Việt Nam qua website.

anh-theo-box.jpg

Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Hoàng Minh Chiến, nhiều DN xuất khẩu đã phải đối diện với tình trạng bị lừa gạt, chịu thiệt hại về tài sản, hàng hóa khi chủ quan và thiếu hiểu biết về đối tác trong giao dịch thương mại quốc tế. Không ít DN của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc vướng vấn đề về pháp lý trong thời gian gần đây. Nhiều hợp đồng do người môi giới soạn thảo rất đơn giản, thiếu nhiều điều khoản quan trọng nhưng DN vẫn chấp nhận. Đáng e ngại hơn, DN cũng đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới. Vì thế, DN không nhận biết được những dấu hiệu rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh 'sập bẫy' trong giao thương quốc tế