Tránh 'sập hầm'

Ngọc Quang 14/04/2023 07:00

Trong nhiều trường hợp chỉ cần 3 ngày học là đã trở thành tư vấn viên bảo hiểm, được cấp chứng chỉ. Chính vì thế, nhiều nhân viên tư vấn bảo hiểm thường "tung hỏa mù" để lái người mua đi tới ký kết hợp đồng với các điều kiện mà người mua khó đáp ứng đến cùng. Điều đó đã khiến thị trường bảo hiểm Việt Nam trở nên phức tạp.

Trên thực tế, hoạt động đào tạo (training) của các công ty bảo hiểm cho các tư vấn viên của mình diễn ra một cách rất hời hợt. Mục đích chính của các công ty chỉ là làm sao để bán được thật nhiều bảo hiểm, nên họ chủ yếu “truyền bí kíp” cho tư vấn viên cách nói làm sao để thuyết phục được khách hàng, nhằm chốt được nhanh, được nhiều hợp đồng nhất. Cùng chung mục đích, tư vấn viên cũng không cần hiểu về bản chất cốt lõi của sản phẩm bảo hiểm mà mình đang bán. Họ không ăn lương của công ty mà thu nhập chủ yếu từ tiền phần trăm của mỗi hợp đồng bảo hiểm, nên tìm mọi cách bán cho bạn bè và người thân trong gia đình, từ đó lan sang người khác.

Đáng lo ngại là vì lợi ích cá nhân nên hầu hết tư vấn viên chỉ nói “một nửa sự thật”, làm cho người mua hiểu không đúng về quyền lợi của mình. Trong trường hợp khách hàng phàn nàn, khiếu kiện thì đó cũng chỉ là câu chuyện giữa khách hàng với tư vấn viên, còn thì công ty bảo hiểm gần như không có trách nhiệm đứng ra giải thích, giải quyết. Công ty bảo hiểm cũng không có quy chế xử phạt nếu như tư vấn viên bảo hiểm tư vấn không đúng bản chất cho khách hàng. Khi khó khăn, họ lại bao biện bằng cách nhân viên bán hàng tư vấn sai đã nghỉ việc nên công ty không thể có trách nhiệm gì với khách hàng.

Như vậy là “quả bóng” trách nhiệm, pháp lý đã được “đá”sang cho tư vấn viên. Người mua bảo hiểm đã “phó thác” cho tư vấn viên, đại lý còn doanh nghiệp bảo hiểm lại rũ trách nhiệm. Rốt cục người mua bảo hiểm “sập hầm”, ngậm đắng nuốt cay khi có sự cố xảy ra.

Ở đây cần làm rõ, đại lý không ký hợp đồng lao động với công ty bảo hiểm nên không phải nhân viên của công ty. Nhưng họ hợp tác với công ty bảo hiểm, có hợp đồng ủy quyền và kiếm thu nhập dựa vào hoa hồng bán hàng nên công ty bán bảo hiểm không thể chối bỏ được trách nhiệm đối với lực lượng đại lý. Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định rất rõ nếu đại lý tư vấn sai thì theo hợp đồng đã ủy quyền, công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm.

Mặt khác, các đại lý bán bảo hiểm không chỉ đơn giản là người tìm kiếm khách hàng, mà còn là người tư vấn vì hợp đồng bảo hiểm không dễ hiểu, cần lực lượng tư vấn có trình độ chuyên môn, do công ty bảo hiểm đào tạo. Nếu đại lý, tư vấn viên tư vấn sai thì công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm.

Một điểm nữa rất đáng quan tâm là trước khi kí hợp đồng, người mua bảo hiểm nhân thọ thường chỉ đọc lướt qua phần hợp đồng chính thức, nhưng không đọc các trang phụ lục mà tại đó có nhiều quy định lắt léo. Khi sự cố xảy ra "xoay" kiểu gì người mua cũng bị thiệt hại. Chẳng hạn, trong hợp đồng có quy định người mua sau 1 năm, 2 năm, hay 5 năm… có thể thanh lý hợp đồng và không nêu rõ là thanh lý sau 2 năm đó, khoản thu về còn lại bao nhiêu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tại phần phụ lục ghi nội dung chỉ thu lại được 25 hay 30% khoản đã đóng. Như vậy, người mua bảo hiểm sẽ thiệt đơn thiệt kép.

Trước đó, người mua bảo hiểm chưa từng được đại lý chỉ cho phần phụ lục này, chỉ tô màu lên phần cho thanh lý sớm nếu có nhu cầu mà thôi.

Bảo hiểm là một sản phẩm tốt về khía cạnh kiểm soát rủi ro hay sự an toàn hoặc an tâm cho tương lai. Nhưng cần phải biết rằng nó là một sản phẩm tài chính phức tạp, tinh vi mà sự thua thiệt chủ yếu nằm ở người mua thiếu hiểu biết, có thể do quá tin tưởng vào đại lý, tư vấn viên. Thông thường các hợp đồng sẽ có thêm câu "Đã đọc và hiểu…" và đây sẽ là điểm bất lợi cho khách hàng khi tranh chấp xảy ra.

Từ đó có thể thấy rằng, trước khi người mua bảo hiểm nhân thọ đặt bút ký vào bản hợp đồng thì cần hết sức cẩn thận. Về phía cơ quan quản lý, cũng cần tăng cường giám sát, phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi chính đáng của khách hàng. Đặc biệt, trong các hợp đồng bảo hiểm phải có những điều khoản nêu rõ trách nhiệm của đại lý, tư vấn. Đây là vấn đề hết sức quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh 'sập hầm'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO