Tranh ‘Thôn nữ Bắc kỳ’ được đấu giá 5,9 tỷ đồng

28/03/2018 10:49

Lúc 14h30 ngày 26/3 (giờ Paris), tại số 9 phố Drouot, Paris (Pháp) nhà đấu giá Aguttes đã tổ chức đấu giá thành công bức tranh lụa “Thôn nữ Bắc kỳ” của họa sư Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ.

Tranh ‘Thôn nữ Bắc kỳ’ được đấu giá 5,9 tỷ đồng

Bức “Thôn nữ Bắc kỳ”.

Ông An Kiều- thứ nam của họa sư Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ (1890-1973) cho biết: Đúng lịch, bức tranh lụa “Thôn nữ Bắc kỳ” được đặt trang trọng trên bục đấu giá. Từ mức khởi điểm 35.000 euro, bức tranh nhanh chóng tăng giá mạnh qua các lượt đấu để rồi được chốt ở mức giá 205.000 euro (tương đương 5,9 tỷ đồng). Bất ngờ nữa, thời gian đấu giá chỉ trong vòng 9 phút. Điều đặc biệt, người chiến thắng trong phiên đấu giá là một người Việt Nam. Tuy nhiên, vị khách này không muốn cung cấp thông tin về cá nhân cho báo chí.

Hình ảnh bức tranh lụa “Thôn nữ Bắc kỳ” của Nam Sơn được đưa lên bìa 1 của cuốn catalogue. Việc này thể hiện sự trân trọng lớn của nhà đấu giá Aguttes đối với tác phẩm tranh lụa đầu thế kỷ XX của danh họa Việt Nam Nam Sơn - người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng họa sư Victor Tardieu. Điều này có lẽ cũng dễ hiểu vì từ đầu thế kỷ XX Bộ Mỹ thuật Pháp đã mua 2 tác phẩm của họa sư Nam Sơn để đưa vào Bảo tàng Quốc gia Pháp. Và từ tháng 3-1945 đến tháng 8-1945, sau khi Pháp bị Nhật đảo chính, họa sư Nam Sơn là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất giữ cương vị quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

“Thôn nữ Bắc kỳ” xuất hiện và được đưa ra đấu giá lần này là một sự kiện vì đây là lần đầu tiên tác phẩm lụa màu này xuất hiện trước công chúng và cho thấy sự tài hoa trong bút pháp của bậc thầy tranh lụa. Và với Nam Sơn có thể coi ông là người vẽ tranh lụa màu đầu tiên của Việt Nam với bức tranh “Về chợ” vẽ năm 1927. Bức tranh lụa “Về chợ” cũng ký tên tác giả “Thần kiếm hồ Nguyễn Nam Sơn” ngay sau đó được Tổng trưởng Dalimier mua. Cũng cần nói thêm, đa số họa sĩ trong nước chỉ được xem ảnh chụp tác phẩm lụa của Nam Sơn in đen trắng, nên chưa đánh giá được tài năng thực của một danh họa từng nổi tiếng tại Paris từ đầu thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng của mỹ thuật Tây Âu, nhưng vẫn kết hợp với nền văn hóa dân tộc cổ truyền Việt Nam.

Từ bức tranh lụa “Thôn nữ Bắc kỳ” được đánh giá cao, lại nhớ về bức tranh sơn dầu “Gia từ cận tượng” (Mẹ tôi) vẽ năm 1930 của họa sư Nam Sơn đã được Huy chương Bạc tại triển lãm hội họa quốc tế Salon de Paris năm 1932. Khi nhận giải, Nam Sơn nói: “Tôi rất vui và tự hào dân tộc Việt Nam đã có nền văn hóa lâu đời và không còn ai có thể nói tới việc khai hóa cho Việt Nam”.

Từ Khôi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh ‘Thôn nữ Bắc kỳ’ được đấu giá 5,9 tỷ đồng