Mặt trận

Trao 'cần câu' giúp người nghèo vươn lên

Nguyễn Quốc 18/09/2024 16:50

Với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, thời gian qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tập trung tuyên truyền, vận động nhằm làm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người dân trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

a luoi
Đàn dê của chị Hồ Thị Luỹ sau 1 năm đã phát triển thành đàn. Ảnh: N.Q.

Những năm qua, thông qua các nguồn vận động, Ủy ban MTTQ huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo để phát triển kinh tế hộ gia đình. Với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện A Lưới đã tích cực tuyên truyền vận động bà con thay đổi nhận thức, không trông chờ ỷ lại, thay vào đó khơi dậy ý chí vươn lên phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững trong mỗi người dân.

Năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện A Lưới triển khai hỗ trợ sinh kế cho 43 hộ dân trên địa bàn huyện, trong đó có 8 hộ thực hiện mô hình chăn nuôi bò; 2 hộ nuôi gà kiến thả vườn; 12 hộ nuôi dê; 10 hộ nuôi lợn; 1 hộ nuôi vịt; 5 hộ thực hiện mô hình trồng cây keo lai; 2 hộ trồng bưởi da xanh và 1 hộ trồng cây dược liệu Sachi với tổng trị giá 467 triệu đồng từ nguồn vận động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Sau gần 2 năm triển khai, nhiều mô hình hỗ trợ đã đem lại những kết quả nhất định, nguồn vốn hỗ trợ sinh kế của MTTQ Việt Nam đã góp phần giúp đỡ, động viên hộ nghèo đầu tư sản xuất, chăn nuôi, tạo thu nhập.

Từ nguồn lợi nhuận thu được sau mỗi vụ, nhiều hộ đã đầu tư mở rộng chuồng trại và chuyển đổi hoặc thêm mô hình vật nuôi khác như ếch, bò để mở rộng đàn.

z5728784539579_4386855b67f3fe4204fdd3c0b64d9197.jpg
Thông qua nguồn hỗ trợ sinh kế, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện A Lưới từng bước vươn lên, thoát nghèo bền vững. Ảnh: N.Q.

Kết quả đến nay, đàn dê đã sinh sản và phát triển lên 90 con, đàn bò lên 26; đàn heo 100 con, có hộ đã xuất chuồng được 2 lứa có thêm nguồn kinh phí mua sắm thêm các vật dụng gia đình; một số hộ cũng đã chuyển đổi từ nuôi heo, gà qua nuôi bò từ số tiền bán được qua 3 lần phát triển của đàn heo, gà… nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững.

Điển hình như hộ gia đình chị Lê Thị Bỉ (31 tuổi, trú tại thôn Ka Vá, xã Đông Sơn, huyện A Lưới) là hộ nghèo của xã. Được sự hỗ trợ của Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện, từ 3 con lợn giống được hỗ trợ ban đầu, gia đình chị đã cố gắng chăm sóc đàn lợn ngày càng phát triển.

Lứa đầu tiên chị xuất chuồng và thu được 37 triệu đồng, sau đó chị Bỉ đầu tư thêm 2 con bò giống và tiếp tục duy trì 1 con heo nái. Đến nay, trong chuồng có 10 con heo thịt, 1 heo nái và 2 con bò giống.

“Đầu năm 2024, gia đình mình đã thoát khỏi hộ nghèo, cảm ơn Ủy ban MTTQ huyện A Lưới và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ gia đình nguồn sinh kế ban đầu để giúp chúng tôi thoát khỏi cái nghèo”, chị Bỉ vui mừng nói.

z5843015594156_32fff4e7dd282b238ba46e9042ba47c0.jpg
Nhờ nguồn hỗ trợ sinh kế của Mặt trận, giờ đây gia đình chị Hồ Thị Bỉ đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: N.Q.

Tương tự, chị Lê Thị Lũy (trú tại xã Quảng Nhâm), năm 2023 gia đình chị được hỗ trợ 3 con dê giống. Sau một thời gian chăm sóc, đến nay đàn dê của gia đình đã tăng lên được 8 con, trong đó có 5 con đang trong thời kỳ sinh sản.

“Cũng chính nhờ sự quan tậm, tuyên truyền vận động của cán bộ Mặt trận mà giờ đây gia đình có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Gia đình sẽ cố gắng làm việc, chăm sóc đàn dê và tăng gia sản xuất để thoát nghèo bền vững”, chị Luỹ tâm sự.

Theo Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện A Lưới, thời gian qua, Mặt trận các cấp đã thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 và phong trào thi đua “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Dòng, họ, làng bản không có hộ nghèo” giai đoạn 2022-2025.

Ông Pi Loong Mái, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện A Lưới cho biết, kế hoạch của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện luôn mong muốn giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn thông qua các mô hình sinh kế thiết thực. Để người dân thông qua mô hình này học tập lẫn nhau, từng bước xóa đói giảm nghèo.

“Có thể khẳng định rằng, từ những “mô hình sinh kế" đã từng bước giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, phát huy tính tự chủ vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Mái nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, MTTQ huyện A Lưới cùng các tổ chức thành viên tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/HU về giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chương trình giảm nghèo bền vững, huy động sức mạnh của cả cộng đồng cùng chăm lo cho người nghèo theo phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”, hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo.

Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn cho hộ nghèo về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi.... tiếp tục nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả, cách làm hay, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài để giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu chính đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trao 'cần câu' giúp người nghèo vươn lên