Trao cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên

Anh Vũ 29/08/2023 07:49

Để tạo chuyển biến trong bình đẳng giới, Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đã được triển khai tại nhiều thôn, bản trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bảo Thắng tuyên truyền phòng, chống tảo hôn tại thôn Khe Tắm, thị trấn Phố Lu. Ảnh: Cao Cường.

Thực hiện Dự án 8, năm 2022, Tổ truyền thông cộng đồng và Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” thôn Khe Tắm, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng được thành lập để tuyên truyền xóa các định kiến, những hủ tục phân biệt về giới, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em, phòng chống vấn nạn tảo hôn, buôn bán phụ nữ. Cùng với đó, khuyến khích phụ nữ rèn sự tự tin, tự bảo vệ bản thân, bản lĩnh để thay đổi suy nghĩ, cách làm trong đời sống hàng ngày.

Sau thời gian ngắn thực hiện, thôn Khe Tắm đã có nhiều chuyển biến tích cực, chị em phụ nữ đã chủ động tham gia phát triển kinh tế gia đình, tổ chức nhiều hoạt động, phong trào ý nghĩa trong bảo tồn văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh.

Bà Thèn Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bảo Thắng cho rằng, thành công lớn nhất của Tổ truyền thông cộng đồng là đã trang bị cho chị em phụ nữ các kiến thức, kỹ năng biết lên tiếng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi trong cách nghĩ, cách làm từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu không còn phù hợp trong đời sống. Ở thôn Khe Tắm, giờ đây đám cưới chỉ tổ chức tiệc một bữa chính, đám hiếu không kéo dài quá 48 tiếng. Đặc biệt, việc gả chồng sớm cho con đến nay cũng không còn. Trong thôn không có bạo lực gia đình, không có vụ việc xâm hại trẻ em…

Cùng với thôn Khe Tắm, Dự án 8 cũng đã được triển khai đồng loạt tại nhiều thôn, bản trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo bà Hà Thị Khánh Nguyệt - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai, đến nay các mô hình, hoạt động trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực và được người dân đón nhận, ủng hộ. Trong năm 2022, với nguồn kinh phí phân bổ gần 10 tỷ đồng toàn tỉnh đã thành lập được 324 “Tổ truyền thông cộng đồng” tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố; hỗ trợ 7 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ; thành lập 63 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Hội phụ nữ các cấp đã tổ chức hàng chục buổi đối thoại, qua đó đã tạo cầu nối giữa hội viên, phụ nữ và nhân dân với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành liên quan đến các vấn đề cộng đồng quan tâm.

Để duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, bà Nguyệt cho biết, Dự án 8 sẽ tiếp tục được triển khai nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trên địa bàn tập trung nâng cao chất lượng hoạt động mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” nhằm nâng cao nhận thức về định kiến, khuôn mẫu giới, chống phân biệt đối xử về giới và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Tại các địa phương, Hội phụ nữ các cấp cũng tổ chức các cuộc đối thoại chính sách, lựa chọn nội dung đối thoại phù hợp, thiết thực, giải quyết được những vấn đề đang đặt ra, vấn đề bức xúc, khó khăn của phụ nữ trong xã hoặc cụm thôn, bản...

Dự án 8 là dự án đặc thù về giới được đưa vào Chương trình MTQG 1719 nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trao cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO