Trao đi để nhận lại

Nguyễn Phượng 25/08/2022 10:56

Với những người khiếm thị, làm sao sống có ích, có thể dùng sức lao động của mình để kiếm tiền chính đáng luôn là mơ ước. Song, điều ấy không dễ thành hiện thực. Thấu hiểu khó khăn của cộng đồng người khiếm thị, bằng kiến thức y học của bản thân, “lão nhà quê” Nguyễn Trọng Hùng (Hội viên Hội Đông Y quận Ba Đình, Hà Nội) đã hỗ trợ hàng trăm người khiếm thị các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Ông Nguyễn Trọng Hùng (đứng giữa) tặng quà cho các học viên có hoàn cảnh khó khăn.

Gắn bó với việc chữa bệnh, cứu người suốt mấy chục năm nay, cũng là khi ông Hùng chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le. Đó là những người nghèo phải “cắm sổ đỏ” vì không có tiền chữa bệnh, đó là giọt nước mắt khi nhiều người từ chối chữa bệnh vì sợ tốn kém… Thế rồi, từ câu chuyện cứu người, ông kiêm luôn cả việc giúp người. Hơn 30 năm qua, cùng với bốc thuốc, chữa bệnh, dấu chân của ông Hùng in khắp các nẻo đường, qua những vùng núi đồi heo hút đến với những bản làng, qua những trại dưỡng lão, những địa chỉ trẻ em khuyết tật…

Ông Hùng chia sẻ: “Khi trao đi, là khi mình nhận lại nhiều điều. Đó là nghĩa tình của bà con. Trong quá trình làm từ thiện, tôi nhận thấy, có một đối tượng đặc biệt là người khiếm thị. Những người chân tay còn lành lặn, nhưng lại rất khó khăn trong việc tìm một công việc thích hợp, bởi “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Nhưng nhiều người khiếm thị sống bằng xoa bóp, bấm huyệt, chữa các bệnh về xương khớp. Tôi đã sử dụng khả năng của mình để tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ các bạn, các em, giúp mọi người có kỹ thuật cao hơn, qua đó, tăng thu nhập”.

Hành trình hỗ trợ người khiếm thị đã được triển khai tại nhiều địa phương, từ Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định đến Cà Mau, … Trong đó, riêng tại Bắc Ninh, ông Hùng phối hợp với Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ, đào tạo 6 lớp chữa bệnh xương khớp, mỗi lớp 30 học viên. Xương khớp là một bệnh rất khó, ngay bản thân những người khiếm thị trẻ tuổi, hay lớn tuổi cũng bị rất nhiều. Để được hành nghề tẩm quất, mát xa, bấm huyệt cần phải học 3-6 tháng, lý thuyết, thực hành, vị trí huyệt, cách day, bấm, đấm, bóp… Nhưng với cách truyền dạy độc đáo, trên cơ sở kỹ năng sẵn có của các học viên, lương y Nguyễn Trọng Hùng đã “nâng cấp” trình độ cho người khiếm thị làm nghề tẩm quất, mát xa, bấm huyệt chỉ trong ít ngày. Học viên nắm được nguyên lý cơ bản của hệ thống kinh mạch, những bộ phận cần tác động khi xảy ra các loại bệnh lý khác nhau, nhất là bệnh xương khớp, các vị trí và cách thức tác động. Với cách làm này, học viên có thể giúp người bệnh giảm nhẹ các loại bệnh xương khớp cơ bản như thoái hóa cột sống, đau cổ vai gáy, đau nhức đầu gối…

Anh Nguyễn Văn Trung - học viên của ông Hùng cho biết: “Trước đây tôi làm nghề làm tẩm quất mát xa, mỗi bệnh nhân thu được 100.000 đồng, vất vả mà không có khách mấy. Nhưng nhờ phương pháp của thầy Hùng, tôi giảm sức lực sau mỗi lần tẩm quất, nhưng thu nhập lại tăng lên. Nhiều người đi chữa bệnh xương khớp, nhưng về lại ăn ngon, ngủ ngon hơn nên rất phấn khởi”.

Chia sẻ về những điều này, ông Cao Thanh Quý - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Cà Mau cho biết: “Sau chương trình, nhiều hội viên đã cơ bản nắm được kỹ thuật, kỹ năng mát xa trị liệu. Một số cá nhân đã đạt kết quả tốt trong thực hành đối với chính bạn bè, người thân trong gia đình. Nhiều hội viên bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành hỗ trợ, để có thể chính thức hành nghề, đóng góp tích cực cho cộng đồng”.

Giúp đỡ được nhiều người, nhưng ông Hùng vẫn luôn khiêm tốn, giản dị. Ông thường nhận mình là “lão nhà quê”. Nhiều học viên cũng thường gọi ông bằng cái tên thân mật “lão nhà quê”. Với mong muốn mỗi người khỏe mạnh thì góp phần tạo nên một xã hội khỏe mạnh, ông Hùng không “giấu nghề”. Nhiều bài thuốc, nhiều phương pháp chữa bệnh được ông đăng lên website laonhaque.vn cùng các trang Facebook của mình, để mọi người tiếp cận, làm theo tự chữa trị cho mình và người thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trao đi để nhận lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO