Ngày 3/10, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải Cuộc thi viết về Kỹ năng lao động với chủ đề “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam - Skilling up Việt Nam”.
Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động bên lề kỷ niệm ngày Kỹ năng lao động Việt Nam – 4/10.
Cuộc thi được phát động ngày 28/4/2021. Đến hết ngày 31/3/2022, Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 tác phẩm dự thi ở 4 loại hình gồm báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cuộc thi đã huy động được sự tham gia của đông đảo các nhà báo chuyên nghiệp, cộng tác viên, các thầy cô giáo và cả các học sinh, sinh viên. Các tác phẩm dự thi hầu hết đã được các báo, đài, tạp chí đăng tải hoặc phát hành; nội dung các tác phẩm tập trung chủ yếu như: Vai trò của kỹ năng lao động trong đời sống xã hội; Vai trò, giá trị của kỹ năng lao động trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội bền vững; Vai trò của kỹ năng lao động trong hội nhập quốc tế; Vai trò của kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Vai trò của kỹ năng lao động trong việc tiếp cận với thay đổi của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Đào tạo kỹ năng lao động trong nhà trường, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp; Cơ chế, chính sách để phát triển kỹ năng lao động của các quốc gia; Đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển kỹ năng lao động cho Việt Nam; Các cá nhân, tập thể điển hình, xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất có kỹ năng nghề nghiệp cao; Tôn vinh người lao động có kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp cao trong đời sống, lao động…
Theo đánh giá của Ban tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi, chủ đề của cuộc thi viết về kỹ năng lao động là đề tài khó tiếp cận nếu như người viết không hiểu về kỹ năng nghề nghiệp. Một số tác phẩm đã không phản ánh được nội dung của kỹ năng lao động hoặc đề cập đến thì chưa làm nổi bật được giá trị của kỹ năng lao động trong đời sống xã hội, chưa tạo được sự lan tỏa cao.
Đối với các tác phẩm có chiều sâu, phản ánh được nội dung kỹ năng lao động đều là các tác phẩm của các nhà báo đã tìm hiểu sâu về kỹ năng lao động hoặc là từ cán bộ quản lý, nhà giáo ở các cơ sở GDNN.
Ban giám khảo đã thảo luận, đánh giá các tác phẩm và thống nhất trao 4 giải A, 4 giải B, 8 giải C và 14 giải Khuyến khích.
4 tác phẩm đạt giải A gồm: “Làn sóng mới trong đào tạo nhân lực” (loại hình báo in); “Nhất nghệ tinh” trước ngưỡng cửa 4.0” (loại hình báo điện tử); “Lựa chọn bằng cấp hay kỹ năng nghề nghiệp” (loại hình phát thanh); “Hiệu quả từ chương trình đào tạo kép” (loại hình truyền hình).