Sáng 22/11, Lễ trao giải thưởng sáng tác về “Biên giới biển đảo” của Hội Nhà văn Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội. Tuy mới được tổ chức lần đầu, nhưng giải thưởng đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà thơ, nhà văn.
Các tác phẩm được trao giải là những sáng tác từ 1975 tới nay. Nhiều tác phẩm đã được thời gian “đánh giá”. Chủ đề của giải thưởng cũng cho thấy: Các nhà văn luôn ý thức về sứ mệnh thiêng liêng trong bảo vệ chủ quyền của đất nước. Đó là một thiên chức vô cùng đáng quý.
Tại buổi lễ, Hội đồng Chung khảo đã trao 12 giải tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc về đề tài biên giới, biển đảo. Đây là những tác phẩm đã xuất bản, được công chúng đón nhận, trong đó có những tác phẩm: Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến); Đảo chìm và hơi thở rừng hồi (Vương Trọng); Hạ thủy những giấc mơ (Nguyễn Hữu Quý); Sóng trầm biển dựng (Đoàn Văn Mật)...
Bên cạnh giải tôn vinh, Hội Nhà văn Việt Nam cũng trao giải sáng tác về biên giới, biển đảo cho 32 tác phẩm văn học. Trong đó có 4 giải Nhất, 10 giải Nhì, 18 giải Ba và 7 giải thưởng cho các tập thể.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đưa ra những nhận xét khái quát về 4 tác phẩm đạt giải Nhất lần này. Về tác phẩm “Đảo chìm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Đảo chìm đã đem đến những trang sáng tác đầu tiên, trung thực, mới mẻ, một bức tranh ngôn ngữ chưa từng có về thực trạng của Trường Sa.
Đặc biệt là những chòi canh trên đảo. Một chòi canh quanh năm mưa bão chỉ có mấy người. Tôi cảm nhận rằng hòn đảo ấy đang mọc, nổi dần từ mặt nước để nhô lên mặt biển thì có một hình tượng anh hùng khác đang lớn lên trong lòng mỗi người chiến sĩ.
Biển đang đội nước để lớn lên thì tình yêu Tổ quốc trong lòng người lính cũng càng ngày càng lớn lên. Đấy là bức tranh toàn diện đầu tiên cung cấp cho bạn đọc về bức tranh toàn vẹn của Trường Sa”.
Đối với tác phẩm “Mình và họ” của nhà văn Nguyễn Bình Phương, đây là tác phẩm đã từng gây ra những cuộc tranh luận thú vị. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Tác giả đã mượn vỏ bọc bên ngoài để nói cái cốt lõi ở bên trong. Đó là hồi ức của những cuộc chiến đấu vô cùng quả cảm của chiến sĩ ta”.
Điều đặc biệt trong hai trường ca cùng đạt giải Nhất lần này là “Ba phần tư trái đất” của tác giả Thi Hoàng và “Từ biển mà đi; thơ viết về biển; mộ gió” của tác giả Trịnh Công Lộc cho thấy được tư duy của hai tác giả đã bổ sung cho nhau.
Nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Nếu như Thi Hoàng viết trường ca “Ba phần tư trái đất” là tư duy trên tầm nhân loại, tầm vĩ mô để nói vấn đề chủ quyền, để nói vấn đề biển đảo, để nói vấn đề số phận dân tộc rất thành công thì Trịnh Công Lộc lại xuất phát từ những vấn đề vi mô. Đó là thực thể bảo vệ chủ quyền của đất nước”.