Sáng 23/8, Đảng ủy Quận Hoàn Kiếm đã tổ chức lễ trao tặng huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho nhà báo Thái Duy (tức Trần Duy Tấn)- nguyên phóng viên báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết, đảng viên chi bộ Tổ dân phố số 2 thuộc Đảng bộ phường Phan Chu Trinh.
Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, thừa ủy quyền của Thành ủy Hà Nội, ông Vũ Đăng Định- Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm đã trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho nhà báo Thái Duy tại nhà riêng.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Quận ủy Vũ Đăng Định đã cho rằng được trao huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho nhà báo Thái Duy là một vinh dự đặc biệt đối với cá nhân ông. Khi đến nhà được biết đảng viên lão thành đã ở tuổi 97 vẫn đi bộ mỗi ngày, trí tuệ vẫn mẫn tiệp, ông Vũ Đăng Định đã thực sự khâm phục và bày tỏ sự kính trọng. Bí thư Quận ủy cũng đề nghị lãnh đạo phường Phan Chu Trinh quan tâm chăm sóc và tranh thủ ý kiến đóng góp của nhà báo lão thành Thái Duy.
Nhà báo Thái Duy (tên thật là Trần Duy Tấn) sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Ông làm báo Cứu Quốc từ năm 1949.
Nhà báo Thái Duy được kết nạp Đảng năm 1950 tại chi bộ báo Cứu Quốc (Đại Đoàn Kết ngày nay) ở chiến khu Việt Bắc, ngay trước khi tham gia Chiến dịch Biên giới.
Đầu năm 1964, ông đi B vào Nam, cùng Tổng biên tập Trần Phong và nhà báo Tâm Trí thành lập báo Giải Phóng thuộc Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.
Ngày 4/2/1977, ba tổ chức Mặt trận được thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo Cứu Quốc và báo Giải Phóng được sáp nhập thành báo Đại Đoàn Kết. Nhà báo Thái Duy tiếp tục làm phóng viên báo Đại Đoàn Kết đến năm 1995 thì nghỉ hưu.
Ông là một trong 7 nhà báo lão thành được tôn vinh tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu” năm 2020.
Ông còn có một bút danh nổi tiếng nữa là Trần Đình Vân với các tác phẩm nổi tiếng như "Sống như anh", "Người tử tù khám lớn", "Hải Phòng anh dũng"...
Trong đó cuốn sách "Sống như Anh" - viết về cuộc đời Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi qua lời kể của chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi được viết ngay tại chiến trường miền Nam.
Bản thảo được một phóng viên Liên Xô (trước đây) mang ngay ra miền Bắc, qua đường hàng không từ Phnom Penh, tới Bác Hồ, được Bác khen ngợi, chỉ đạo in thành sách, do chính Bác viết đề tựa: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập...”
Từ cái tên ban đầu là “Những lần gặp gỡ cuối cùng,” Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đổi tên thành “Sống như Anh,” chữ Anh (Trỗi) viết hoa, đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu ở Nhà xuất bản Văn học tháng 7/1965.
“Sống như Anh” trở thành cuốn sách gối đầu của bao thế hệ, với hàng triệu bản in, từng dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, từng tái bản rất nhiều lần.
Một số hình ảnh tiêu biểu trong buổi Lễ: