Trào lưu “anti” các nghệ sỹ đang quay trở lại với những “biến tướng” khôn lường hơn. Không chỉ công kích hình ảnh các nghệ sỹ, các nhóm “antifan” còn làm ảnh hưởng đến công việc của họ. Sau tất cả, nhiều nhóm “antifan” lập ra chỉ với mục đích “lấy tương tác”, tạo cơ hội kiếm tiền cho cá nhân.
Trào lưu “anti” nghệ sĩ trở lại
Trên mạng xã hội hiện nay, trào lưu “anti” nghệ sĩ đang quay trở lại với những “biến tướng” khôn lường hơn. Bởi “antifan” không chỉ là những cá nhân mà đã hình thành một “cộng đồng” thông qua hàng loạt các nhóm tự phát.
Bất cứ nghệ sỹ nào gặp phải một sự cố hoặc chỉ đơn thuần là một số cá nhân “không hài lòng” về các hành động của nghệ sỹ đó, ngay lập tức, hàng chục nhóm “antifan” tự phát được thành lập, kêu gọi các thành viên tham gia, “bới móc” những thông tin liên quan đến các nghệ sỹ để công kích họ.
Trong thời gian gần đây, những cái tên như Hương Giang, Thuỷ Tiên, Lâm Vỹ Dạ, Linh Chi, Ninh Dương Lan Ngọc, Ngọc Trinh,… là các nghệ sỹ bị lập nhiều nhóm “antifan” nhất. Mới nhất, một nhóm “antifan” có tên “Anti MC đạo lý + MC thích giả Bộ Đớt + Nữ hoàng Eo Chi Bi Ti” vừa được lập ra để “anti” Trấn Thành, Hariwon và Hương Giang.
Các nhóm “antifan” “dìm hàng” nghệ sỹ
Với công cụ mạng xã hội phát triển như hiện tại, “antifan” đã trở thành một trào lưu đáng lo ngại, một hình thức “dìm hàng” các nghệ sỹ. Những nhóm “antifan” được lập ra với nhiều lý do “khiên cưỡng”, tung ra những thông tin không đúng sự thật để miệt thị, chửi mắng những nghệ sỹ.
Diễn viên Lâm Vỹ Dạ được liệt vào danh sách bị “anti” với một nhóm trên mạng xã hội có tên “Hội những người không thích chị Dậm”. Nhóm “antifan” này được lập ra chỉ vì... “cô chăm chỉ xuất hiện trên truyền hình”. Nhiều người cho rằng, diễn viên Lâm Vỹ Dạ chiếm sóng quá nhiều và đôi khi còn làm lố, lấn lướt các nghệ sĩ khác.
Ca sĩ Thủy Tiên cũng là đối tượng bị “antifan” công kích trên mạng xã hội bởi ca sĩ được nhiều người quan tâm thông qua việc làm các công tác thiện nguyện. Đặc biệt là việc cô kêu gọi từ thiện ủng hộ miền Trung trong đợt bão lũ vừa qua. Một số nhóm “antifan” lấy tên “Vạch trần tiên lũ”, "Anti Lũ hậu", "Anti Lũ Hậu VN" với số lượng hơn 15.000 thành viên, liên tục đưa ra nhiều thông tin sai lệch trong việc làm từ thiện của ca sỹ Thuỷ Tiên.
MC Trấn Thành bị lập nhóm “antifan” chỉ vì thường “khóc trên sân khấu”, một số người cho rằng đây là chiêu trò gây chú ý của nam MC. Còn Hariwon – vợ của MC Trấn Thành cũng bị “antifan” vì bị cho rằng "hay nói đạo lý" trên các chương trình truyền hình.
Trước đó, Hương Giang cũng bị lập nhiều nhóm “antifan”, đáng chú ý nhất là nhóm có tên “Anti nữ hoàng đạo lý” với gần 150.000 thành viên. Lý do Hương Giang bị “anti” bởi nhiều người cho rằng cô thường xuyên có nhiều phát ngôn mâu thuẫn, phát ngôn “rao giảng đạo lý” không phù hợp.
Ảnh hưởng đến hình ảnh, thậm chí kinh tế của các nghệ sỹ
Không chỉ dừng lại ở việc công kích hình ảnh các nghệ sỹ, những “antifan” còn kêu gọi việc tẩy chay các nhãn hàng, thương hiệu mà những nghệ sỹ đó quảng cáo nhằm “triệt tiêu” con đường kinh tế của nghệ sỹ.
Điển hình như trong nhóm “anti” Hương Giang, có nhiều “antifan” gây áp lực với nhà sản xuất của các chương trình có cô tham gia để buộc phải cắt sóng, hay liên tục gửi tin nhắn cho các nhãn hàng tuyên bố tẩy chay nếu không kết thúc làm việc với Hương Giang.
Sau loạt “ồn ào” đó, Hương Giang cũng rút lui showbiz, nghỉ ngơi trong một thời gian. Gần đây nhất, cô tái xuất hình ảnh trong show diễn thời trang của nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn ở Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam.
Phía Thuỷ Tiên cũng cho biết, trên Fanpage của ca sỹ, xuất hiện hàng trăm tài khoản Facebook ảo, bình luận với những lời lẽ thô tục, bôi xấu hình ảnh của ca sỹ.
Gần đây nhất, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc cũng bị “anti” sau sự cố tại sự kiện thời trang cùng Linh Chi, Ngọc Trinh. Ngay sau đó, các “antifan” kêu gọi tẩy chay chương trình có Ninh Dương Lan Ngọc. Trong tập phát sóng mới nhất của chương trình “7 nụ cười xuân” tối ngày 7/12, một số “antifan” đã vào bình luận: “Tẩy chay chương trình có Ninh Dương Lan Ngọc”, “Từ nay không coi chương trình này nữa vì có Ninh Dương Lan Ngọc”.
Đối phó với nhóm “antifan”
Khi bị lập những nhóm “antifan”, nhiều nghệ sỹ thường chọn phương án chia sẻ, khẳng định thông tin trên các kênh truyền thông cá nhân, đặc biệt là những bài viết trên tài khoản Facebook cá nhân để “trả lời dư luận”.
Đối với Hương Giang, cô đã từng đến làm việc trực tiếp tại nhà một “antifan”, cuộc gặp có sự chứng kiến của công an. Sau đó sự việc được hoà giải giữa hai bên. Tuy nhiên, sau sự việc đó, Hương Giang cũng chỉ đăng tải một vài dòng chia sẻ và quyết định “lui về hậu trường” nghỉ ngơi một thời gian.
Trong trường hợp của ca sỹ Thuỷ Tiên, trước nhiều thông tin trái chiều về sự minh bạch trong hoạt động từ thiện tại miền Trung, Thuỷ Tiên đã đăng tải các giấy tờ, danh mục thu chi khoản tiền lớn hơn 170 tỷ đồng mà nhiều người dân đã gửi vào tài khoản của ca sỹ.
Kiếm tiền từ các nhóm “antifan”
Một số nhóm “antifan” lập ra chỉ với mục đích “hạ bệ” được hình ảnh các nghệ sỹ mà họ “anti”, tuy nhiên, hàng chục nhóm “antifan” lập ra với mục đích “hùa theo”, thậm chí để kiếm tiền từ đó.
Trên Facebook, việc thành lập nhóm rất dễ dàng và hầu như không có điều kiện bắt buộc nào. Với những cái tên nhóm thật kêu, thật kích động, nội dung cập nhật những thông tin mà “antifan” muốn đọc thì số lượng thành viên các nhóm đó có thể tăng chóng mặt, lên đến hàng chục nghìn thành viên trong 01 ngày.
Chính vì sự dễ dàng đó, nhiều cá nhân đã lợi dụng,“bỏ công sức để tạo dựng các nhóm đó, duy trì hoạt động trong thời gian đầu với việc cập nhật thông tin về các nghệ sỹ bị “anti” nhằm tăng tương tác cho nhóm.
Sau một thời gian, khi lượng tương tác đủ lớn, những thông tin “anti” nghệ sỹ cũng “dần nguội đi”, quản trị viên ngay lập tức “hô biến” thành những nhóm bán hàng online, hoặc lồng ghép những thông tin quảng cáo để kiểm tiền.
Tại Việt Nam, Nghị định 15/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/4 đã quy định rõ ràng hơn về việc xử lý các thông tin sai lệch, giả mạo trên mạng xã hội. Theo đó, người cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật; xúc phạm, vu khống danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
Theo Điều 592 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015, mức phạt tối đa đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để xúc phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở áp dụng ở thời điểm hiện tại là 1,49 triệu đồng nên mức phạt tối đa là 14,9 triệu đồng.
Trong trường hợp hành vi của các “antifan” đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức, về nguyên tắc khi xác định được người nào lập group trên mạng với mục đích bịa đặt bôi nhọ, hạ thấp uy tín người khác thì người đó có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường theo Điều 592 Bộ Luật dân sự 2015.
Trường hợp, việc lập group với mục đích đưa các thông tin bịa đặt, sai sự thật nhằm bôi nhọ uy tín danh dự người khác nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ cấu thành tội “Vu khống” với khung hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù.