Một trào lưu mạng mới của giới trẻ với slogan “Việt Nam nói là làm” đang diễn ra mạnh mẽ và lan tỏa một cách chóng mặt trên mạng xã hội đang khiến các bậc phụ huynh như em hết sức lo lắng. Thực ra câu nói này nếu được bọn trẻ thực hiện theo nghĩa tích cực thì không có gì phải bàn. Thế nhưng, chỉ một phút bốc đồng hay chán nản, lập tức sẽ xuất hiện những status kiểu 1.000 like sẽ đốt trường, 40.000 like tự thiêu, 10.000 like thì nhảy cầu- “sản phẩm” của những thanh thiếu niên đang ở tuổi “nổi lo
Chị xa nhớ,
Khuya muộn hôm qua nhận được cuộc gọi lỡ của chị trên Zalo em đoán có việc gì quan trọng lắm, định sáng hôm sau gọi lại thì nhận được tin nhắn của chị. Những dòng chữ viết vội cả tiếng Anh và tiếng Việt. Mỗi câu, mỗi lời của chị đều chứa đựng sự lo lắng và sốt ruột.
Hơn 40 tuổi không lập gia đình, chị thương cu Tùng như con ruột, ở xa nhưng chị vẫn lo lắng, dõi theo từng bước trưởng thành của cháu. Chị giục em phải kiểm tra điện thoại, máy tính của con, rồi chị “xúi” em lập nickname kết bạn với cháu nhằm kiểm soát status, comment, ngăn chặn kịp thời những hành động nông nổi trên mạng xã hội…
Em hiểu nỗi lo của chị!
Quả thật, một trào lưu mạng mới của giới trẻ với slogan “Việt Nam nói là làm” đang diễn ra mạnh mẽ và lan tỏa một cách chóng mặt trên mạng xã hội đang khiến các bậc phụ huynh như em hết sức lo lắng. Thực ra câu nói này nếu được bọn trẻ thực hiện theo nghĩa tích cực thì không có gì phải bàn. Thế nhưng, chỉ một phút bốc đồng hay chán nản, lập tức sẽ xuất hiện những status kiểu 1.000 like sẽ đốt trường, 40.000 like tự thiêu, 10.000 like thì nhảy cầu- “sản phẩm” của những thanh thiếu niên đang ở tuổi “nổi loạn”, muốn mình thành trung tâm, muốn thể hiện mình.
Lạ một điều chị ạ, những điều tốt đẹp, có ích cho cộng đồng và gia đình thì mất cả một thời gian dài, thậm chí là rất dài mới có thể tuyên truyền cho bọn trẻ thẩm thấu được, thế nhưng những việc có thể coi là tiêu cực, ngông cuồng…thì lại lan tỏa nhanh và nhận được sự hưởng ứng đến cuồng nhiệt bằng like, comment.
Về vấn đề này, em thấy thấm thía vô cùng lời của Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, rằng với những hiện tượng, xu hướng không lành mạnh lại được “cổ vũ” của cộng đồng ảo rất dễ đưa những người chưa thành niên có những hành vi lệch chuẩn, ảo tưởng và ngông cuồng. Đây thực sự là một hiện tượng đáng lo ngại bởi từ những hành vi thiếu chuẩn mực, nguy hiểm đó đến sự trượt dài vào con đường lầm lỗi và phạm tội là một khoảng cách không xa.
Đồng ý với chị là dù bận đến đâu, lo toan công danh sự nghiệp như thế nào thì mục đích cuối cùng của các bậc cha mẹ chúng ta vẫn là lo cho con cái được ăn học đủ đầy, được dạy dỗ tử tế. Làm bạn cùng con để hiểu được tâm tư, nỗi niềm và kịp thời sẻ chia những căng thẳng, bức xúc trong học tập, bạn bè với con là điều vô cùng cần thiết.
Thế nhưng, làm sao có thể theo sát con 24/24h, làm sao có thể hiểu hết tâm lý tuổi mới lớn khi mọi va đập xã hội đến từ mọi phía và dễ dàng chỉ bằng một cú kích chuột. Thế nên, cá nhân em cho rằng bên cạnh một nền tảng gia đình tốt thì cũng rất cần những tiết học Tâm lý, giáo dục về kỹ năng sống để giúp bọn trẻ tránh bị cuốn vào những hiện tượng, trào lưu không lành mạnh. Cả gia đình và nhà trường hãy lắng nghe các em, để các em thể hiện mình bằng những cuộc trao đổi, những cuộc thi bổ ích để chính các em cổ vũ, nhân lên và lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống này.
Chia sẻ với chị một chút về chuyện của bọn trẻ cũng là mong chị yên tâm hơn vì em đang rất cố gắng, chắt chiu từng chút thời gian để song hành và làm bạn cùng con chị ạ.