Từ ngày 12/2/2024, Thông tư về lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong các trường phổ thông của Bộ GDĐT sẽ chính thức có hiệu lực. Mỗi trường sẽ thành lập riêng Hội đồng lựa chọn SGK thay vì chỉ được góp ý kiến như 3 năm qua.
Ở năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường cũng thành lập Hội đồng lựa chọn SGK song sau đó, Hội đồng này được chuyển thành do UBND tỉnh thành lập, mỗi môn ở một cấp học là một hội đồng. Tuy nhiên, sau đó nhiều ý kiến cho rằng giáo viên là người trực tiếp giảng dạy nên giữ vai trò quyết định chọn sách nào để phù hợp với nhận thức, năng lực của học sinh của mình. Mặc dù SGK được đưa ra để chọn đều nằm trong danh mục Bộ GDĐT đã phê duyệt, được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK song vẫn có sự khác nhau nhất định về tiến trình bài học, nội dung, hình ảnh minh họa mỗi bài… Vì vậy, giáo viên khi giảng dạy sẽ căn cứ vào trình độ của học sinh của mình để chọn SGK phù hợp nhất với các em, đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình. quyền lựa chọn SGK được giao về cho nhà trường.
Đến thời điểm này, học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4 và 6, ,7, 8, 10, 11 đã học chương trình và SGK mới. Với các khối lớp còn lại 5, 9 và 12, Bộ GDĐT đã phê duyệt danh mục SGK được sử dụng từ năm 2024 - 2025. Tuy nhiên, vẫn còn một số sách của các khối lớp này chưa được phê duyệt bao gồm sách Tin học 12, Vật lý 12, Hóa học 12 và Giáo dục quốc phòng và an ninh 12; sách Khoa học tự nhiên 9; sách Tiếng Việt 5 và Khoa học 5.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng thông báo nhận hồ sơ đề nghị thẩm định SGK mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS và THPT. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định SGK cần đăng ký số lượng và tên bản mẫu SGK với Vụ Giáo dục trung học trước ngày 20/3 tới. Về hồ sơ đề nghị thẩm định SGK cần thể hiện các nội dung như số lượng bản mẫu SGK; quá trình và kết quả thực nghiệm; ý kiến nhận xét của các nhà khoa học, nhà giáo dục, giáo viên về sách. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ là ngày 28/6.
Ngoài các bộ sách do các cá nhân và đơn vị biên soạn, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành chỉ thị yêu cầu Bộ GDĐT đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ SGK theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội trong năm 2025. Mặc dù xung quanh đề xuất Bộ GDĐT biên soạn một bộ SGK còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng nhìn từ phía người dạy và người học, nếu như việc này được thực hiện, sẽ có thêm một đầu sách để lựa chọn, tham khảo. Trong bối cảnh SGK là một công cụ dạy và học quan trọng, việc có nhiều bộ SGK và quyền lựa chọn dạy sách nào phụ thuộc vào chính giáo viên đứng lớp sẽ giúp cho việc dạy học phân hóa, dạy học theo định hướng phát triển năng lực như mục tiêu đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thuận lợi.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng vai trò của SGK trong dạy và học là để chuẩn hóa kiến thức, nhằm cụ thể hóa chương trình giáo dục, không phải là để "cầm tay chỉ việc" cho giáo viên. Mỗi giáo viên có phương pháp truyền đạt của riêng mình miễn là đạt mục tiêu của chương trình. Ở một số quốc gia thậm chí không có SGK vì mỗi giáo viên tự làm một SGK của riêng mình miễn sao bám sát đề cương giáo dục.
“Vấn đề theo tôi không phải là nội dung của SGK mà là dạy như thế nào? Bởi SGK dù nhiều lựa chọn nhưng nội dung là cố định. Giáo viên cần linh hoạt bố trí giảng dạy nội dung kiến thức phù hợp với từng đối tượng học sinh, phân bổ tiết dạy hợp lý để đạt hiệu quả tốt nhất” - TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.