Trẻ em bị bạo hành: Phần nổi của tảng băng

Thanh Hiền 03/12/2017 06:30

Những ngày qua, dư luận cả nước phẫn nộ cực độ khi chứng kiến hình ảnh các bảo mẫu cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (Q.12, Thành phố Hồ Chí Minh) hành hạ các bé một cách dã man. Người ta không thể hiểu tại sao các bảo mẫu - những người được các bậc phụ huynh hoàn toàn tin tưởng giao phó con cái mình cho họ lại có thể đánh đập, hành hạ những đứa trẻ chỉ mới vài ba tuổi một cách tàn nhẫn như thế!

Theo thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, mỗi năm ở nước ta có khoảng 3.000 - 4.000 trẻ em bị bạo hành ở khắp nơi. Các chuyên gia tâm lý lo ngại, một đứa trẻ ở độ tuổi mầm non bị hành hạ dã man trong một thời gian dài thì di chứng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, tác động tiêu cực đến tâm lý, hành vi và gây tổn hại về thể xác, tinh thần kéo dài, thậm chí đến suốt đời.

Song dư luận càng lo ngại vì sự việc ở trường mầm non Mầm Xanh bị phát giác mới đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Trên thực tế còn bao nhiêu sự việc không được biết đến? Xã hội cũng nhiều lần lên tiếng, thế nhưng sự việc vẫn xảy ra, mức độ ngày càng trở nên trầm trọng. Những kẻ phạm tội đều phải chịu hình phạt của luật pháp và tòa án lương tâm nhưng tình trạng bạo hành vẫn lặp lại, phải chăng mức án cho tội danh này chưa đủ để răn đe?

Và câu chuyện về trình độ của giáo viên mầm non cũng không còn là mới tiếp tục được đặt ra cụ thể hơn, nhưng dường như vẫn chưa có cách nào để cải thiện. Có thể hiểu nhu cầu trường mầm non đang rất lớn. Vì thế, nên việc mở trường mầm non tư thục ồ ạt, chạy theo lợi nhuận kéo theo việc tuyển chọn giáo viên không kỹ, thậm chí tuyển người không đủ chuyên môn vào dạy trẻ là có.

Theo quy định của điều lệ trường mầm non thì các trường mầm non công lập có thể nhận trẻ từ 3 tháng tới 6 tuổi, trong trường hợp các bé không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh bẩm sinh nguy hiểm. Thế nhưng, rất nhiều trường mầm non công lập nói không với việc tiếp nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Đây được xem là một phần nguyên nhân để các cơ sở chăm nuôi trẻ nhỏ không có giấy phép, không đủ điều kiện chất lượng ra đời. Thực tế cho thấy các trường này đa phần chạy theo lợi nhuận, không chú trọng đến chất lượng giáo dục, dẫn tới việc liên tiếp xuất hiện các vụ bạo hành xảy ra trong thời gian vừa qua.

Song theo các chuyên gia giáo dục, vấn đề cơ bản nhất là đạo đức nghề nghiệp. Ai cũng hiểu, công việc của một cô giáo mầm

non thường nhiều áp lực, nhưng không thể mang những áp lực ấy ra để lý giải cho hành động bạo lực để hành xử với trẻ.

Trường mầm non phải là không gian an toàn tuyệt vời cho trẻ với những tiếng cười, tiếng hát, tiếng nô đùa và tình yêu thương. Vì thế giáo viên không hiền hậu, bao dung xin đừng làm nghề nuôi dạy trẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ em bị bạo hành: Phần nổi của tảng băng