Trước hàng loạt những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua bị phát hiện, câu hỏi đặt ra với nhiều người, đặc biệt là các gia đình có con em là nạn nhân bị xâm hại là nên im lặng hay lên tiếng tố cáo?
Nhiều gia đình chọn giải pháp im lặng, vùi sâu chôn chặt để không làm tổn thương trẻ hoặc gia đình khỏi mang tai tiếng. Nội dung này là chủ đề của buổi tọa đàm do Liên minh Truyền thông và quyền của nhóm dễ bị tổn thương (RiM) phối hợp với một số tổ chức liên quan tổ chức ngày 14/3, tại Hà Nội.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Im lặng không làm tổn thương giảm nhẹ hơn
Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời đã chia sẻ nhiều câu chuyện liên quan đến nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Theo thống kê mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1600 đến 1800 vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện, trong đó có khoảng 1000 vụ xâm hại tình dục.
Chị Hoàng Ánh, một khách mời trong buổi tọa đàm chia sẻ câu chuyện chị được một người thân tâm sự. Khi ở độ tuổi khoảng 6-7, gia đình bé gái ở trọ tại một ngôi làng.
Ở đó có một học sinh nam được rất nhiều học sinh quý mến. Anh này rủ không những trẻ con gái và cả trẻ trai cùng chơi trò nghịch bộ phận sinh dục. Lúc đó, cô bé này dù không hiểu gì nhưng em vẫn cảm thấy hành động như vậy rất kỳ cục.
Một lần tình cờ một gia đình biết chuyện nhưng họ cũng không làm ầm ĩ lên mà chỉ gặp gia đình cậu bé kia nói chuyện sau đó gia đình kia chuyển đi nơi khác sống.
Lúc còn nhỏ cô gái không nghĩ đó là chuyện xấu nhưng trong lòng luôn cảm thấy kỳ cục và không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Chỉ đến khi lấy chồng, cô gái mới nhận ra hậu quả nặng nề của câu chuyện khi bé đã ảnh hưởng không tốt tới bản thân, tới hạnh phúc gia đình của mình như thế nào, nhất là về mặt tâm lý của hai vợ chồng.
“Đó là một trường hợp may mắn vì khi mức độ không bị sốc về mặt tinh thần lúc nhỏ, không bị nhục nhã gì, chỉ có 2 gia đình biết với nhau mà thôi. Nhưng rõ ràng đời sống sau này của em rất bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực vì chuyện đó mà không thể kể với chồng, với bố mẹ. Sau khi chia sẻ với tôi, em nói rằng gánh nặng trong lòng nhẹ nhõm đi rất nhiều” – chị Hoàng Ánh chia sẻ.
Về phía gia đình, nhiều phụ huynh chọn giải pháp im lặng vì lo cho tương lai của con cái mình. Như câu chuyện bé gái bị xâm hại Vũng Tàu đang ồn ào dư luận thời gian này.
Có người đã nói thẳng suy nghĩ rằng không một người mẹ chân chính nào lại công khai tên mình và tên con, địa chỉ nơi mình sống vì như thế là cuộc đời đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Nhưng chôn vùi câu chuyện đó, để đứa trẻ một mình chịu đựng thì nỗi đau sẽ bớt đi chăng?
Lên tiếng thông minh
Theo bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), sự im lặng càng lâu thì sự việc càng khó để xử lý vì khi đó các bằng chứng đã bị phai nhạt đi nhiều. Tổ chức của bà đang theo giúp hai trường hợp nạn nhân bị xâm hại tình dục nhưng rất vất vả và khó khăn.
Từ việc tìm luật sư trong lĩnh vực này rất khó và đây là công việc quá vất vả, không biết đến ngày nào có thể đạt được kết quả. Đó là trường hợp của một cháu bé ở Hòa Lạc (Hà Nội) bị hàng xóm cưỡng hiếp, dù có giấy xác nhận thương tích hẳn hoi nhưng một năm trôi qua sự việc vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào.
Luật sư Lê Luân – Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết: Đa phần người xâm hại về tình dục là người có quan hệ thân thiết, thậm chí là người trong nhà với nạn nhân.
Nếu trẻ được giáo dục về quyền nhân thân, về quyền bất khả xâm phạm đến thân thể trong trường tiểu học thì sẽ có phản ứng rất khác nếu như người trong gia đình có ý định xâm phạm.
Luật sư Luân nói cần đưa vào chương trình giáo dục phổ thông các cấp các kiến thức về các quyền của con người, chứ không chỉ là dạy về an toàn giao thông như trong trường học hiện nay.
Tại tọa đàm, các khách mời và người tham dự đã đi đến thống nhất rằng cần phải lên tiếng khi phát hiện những vụ việc xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục. Nhưng sự lên tiếng đó phải đúng pháp luật đúng thời điểm đúng người đúng tội.
Lên tiếng có học thức và thông minh khi chúng ta hiểu mình có quyền gì và đối tượng nghi can mình đang muốn tố cáo có quyền gì. Mỗi người thông qua những kênh, phương pháp, công cụ thông minh nhất trong sự phối hợp với cơ quan, tổ chức đang làm việc này để góp tiếng nói phản đối nạn xâm hại tình dục cũng chính là đang bảo vệ người thân và gia đình mình khỏi những nguy cơ này.