Trẻ em cần được học về lòng nhân ái

Việt Quỳnh (thực hiện) 03/10/2023 09:28

Theo PGS. TS Trần Thành Nam, lòng nhân ái là khi một cá nhân tình nguyện giúp đỡ người khác mà phải hy sinh lợi ích của chính mình. Nhưng một khi lòng nhân ái được trao đi cũng chính là lúc bạn nhận lại được cho mình một món quà. Đó là món quà của sự tử tế.

PGS.TS Trần Thành Nam.

“Có một ai đó đã viết rằng bạn chưa từng sống cho đến khi bạn làm một điều gì đó cho người không bao giờ có khả năng đền đáp bạn. Điều này không phải vô căn cứ”, PGS. TS Trần Thành Nam chia sẻ về lòng nhân ái, sự giúp đỡ, chia sẻ từ tình yêu thương dưới góc nhìn của một nhà chuyên môn.

Anh nói, khi bạn làm một điều gì tuyệt vời và hữu ích cho người khác. Bạn sẽ có được sự phấn chấn của người giúp đỡ, nó sẽ xuất hiện trong các chất dẫn truyền thần kinh trong não của chúng ta khiến chúng ta cảm giác thư giãn như đang được trải nghiệm đứng trước bãi biển đầy nắng và gió:

“Những cảm giác này tuyệt vời đến mức chúng ta mong muốn làm lại một lần nữa vì cuộc sống của chúng ta mang lại những giá trị tốt đẹp.

Tấm lòng nhân ái của một cá nhân có tính lan truyền. Hành động tử tế của một người có hiệu ứng “sóng nước” lan tỏa những năng lượng tích cực, truyền cảm hứng thúc đẩy những cá nhân khác cũng phải hành động. Đôi khi chỉ cần nghe thấy trên truyền thông rằng người khác đã có hành động nhân ái tử tế, chúng ta đã muốn làm ngay một điều tương tự.

Hình ảnh anh shipper Nguyễn Đăng Văn lao vào đám cháy cứu người, sự tích cực trong cứu hộ cứu nạn của các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, của người dân hay tình người đùm bọc với những nạn nhân sau đám cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) làm ấm lòng biết bao trái tim… Chính những chia sẻ yêu thương ấy đã làm nên vẻ đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt.

Sự nhân ái giúp kết nối sâu sắc hơn với sự cảm thông, đồng cảm với những số phận, những cuộc đời khiến cho một cá nhân trở nên hấp dẫn hơn, những người tử tế thường dễ trở thành những nhân vật truyền cảm hứng, được người khác tôn trọng và nể phục để trở thành lãnh đạo. Ngày càng nhiêu doanh nhân hiện đang đặt trọng tâm chiến lược kinh doanh của họ xoay quanh lòng nhân ái. Nhân ái khiến cho môi trường làm việc trở nên gắn kết hơn, sếp nhân ái thường có tập thể làm việc năng suất hơn, nhân viên có sếp nhân ái có xu hướng cam kết và trung thành với công ty trong những giai đoạn khó khăn hơn.

Nhưng lòng nhân ái cũng không phải tự nhiên mà có, những đứa trẻ cần được học về lòng nhân ái từ bố mẹ, thầy cô và cộng đồng xung quanh chúng ta. Nhà trường và gia đình cần phải giúp học sinh ý thức được rằng giúp đỡ những người yếu thế hay đang bị thiệt thòi, tổn thương là một việc tốt. Trẻ được tập quen để chia sẻ, giúp đỡ người khác từ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Trẻ cũng cần được sự động viên, khen ngợi từ cha mẹ hay thầy cô giáo vì những hành động trợ giúp người khác. Những lời khen tích cực có mục đích củng cố ý niệm về bản thân rất hiệu quả trong việc thúc đẩy hành vi giúp đỡ người khác. Gắn khen ngợi với đặc điểm nhân cách của trẻ như con rất hay giúp đỡ bởi con là một người tốt thường hiệu quả hơn so với chỉ khen chung chung giúp đỡ người khác là một việc tốt. Lời khen ngợi gắn với tính cách sẽ giúp trẻ phát triển một khái niệm cái tôi bao gồm cả lòng vị tha và vì vậy có khả năng duy trì hành vi giúp đỡ người khác trong tương lai”.

Với anh, giáo dục giá trị đối với trẻ em, để trẻ cảm thấy có trách nhiệm giúp đỡ người khác vì sự thấu cảm với nỗi đau của nạn nhân: “Giá trị của lòng trắc ẩn và cảm nhận giá trị của sự công bằng, trách nhiệm xã hội lớn hơn so với những nguy cơ phiền phức do việc giúp đỡ người khác mang lại.

Qua thời gian những giá trị sẽ được củng cố trở thành chuẩn mực xã hội. Chuẩn mực về trách nhiệm xã hội thúc giục chúng ta phải quan tâm chăm sóc những người thân hoặc cha mẹ mình khi về già. Chuẩn mực xã hội cũng thúc giục chúng ta chăm sóc những người thiệt thòi hay dễ bị tổn thương trong xã hội, giúp chúng ta ra tay giúp đỡ khi chứng kiến những chuyện bất bình”.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, truyền thông đại chúng cần góp phần làm cho những hành vi tương trợ xã hội được coi trọng và đề cao: “Cần có nhiều hơn các tấm gương trong xã hội được tuyên dương trên truyền thông. Xã hội thay vì tập trung vào những lùm xùm, bê bối, bạo lực, hãy chuyển sự chú ý của cộng đồng sang vinh danh những biểu hiện thường ngày của lòng nhân ái. Nó cũng chính là một giải pháp hiệu quả để hạn chế những hành vi lệch chuẩn trong xã hội.”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ em cần được học về lòng nhân ái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO