Trẻ mắc các tật khúc xạ tăng nhanh

Nghĩa Toàn 01/06/2023 06:15

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém, trong đó nguyên nhân hàng đầu là bệnh đục thủy tinh thể. Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong lứa tuổi thanh thiếu niên trên cả nước.

Thăm khám cận thị cho trẻ em. Ảnh: TL.

Gia tăng số trẻ mắc khúc xạ mắt

BS Lưu Thị Quỳnh Anh - Phó khoa Mắt, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, tật khúc xạ là tình trạng khi ánh sáng đi vào mắt không hội tụ lên đúng vị trí trên võng mạc (điểm vàng), dẫn đến mắt nhìn vật bị mờ, nhòe, không rõ. Tật khúc xạ bao gồm 3 loại: Cận thị, viễn thị, loạn thị.

Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 50% dân số châu Á mắc tật khúc xạ. Dự báo, tới năm 2050, trên toàn thế giới cứ 2 người thì có 1 người cận thị.

Tính riêng tại Việt Nam, một số kết quả điều tra đã chỉ ra rằng, trung bình tỷ lệ người mắc tật khúc xạ chiếm khoảng từ 30% - 40% dân số, tương đương với gần 30 triệu người đến khoảng 40 triệu người. Đối với trẻ em (từ 6 - 15 tuổi), tỷ lệ bị tật khúc xạ là 25- 40% đối với thành thị và 10-15% ở nông thôn.

“Tật khúc xạ chiếm tỷ lệ 35 - 40% dân số, khi bị tật khúc xạ nhưng không được chỉnh kính là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực, đặc biệt ở trẻ em có thể dẫn đến nhược thị vĩnh viễn (thị lực không thể phục hồi ở tuổi trưởng thành). Không chỉ vậy, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm: Thoái hóa, bong rách võng mạc… nếu không được điều trị kịp thời” - BS Quỳnh Anh cho biết.

Các bệnh viện đều ghi nhận sự gia tăng của trẻ mắc tật khúc xạ trong thời gian gần đây. BS Đặng Thị Như Quỳnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt quốc tế DND cho biết: Qua công tác khám tại một số trường học, nhận thấy sự gia tăng số trẻ mắc tật khúc xạ. Có lớp tỷ lệ đeo kính lên đến 65% học sinh, qua thăm khám phát hiện thêm gần 10% trẻ mắc tật khúc xạ.

Chú trọng khám mắt định kỳ cho trẻ

BS Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt trung ương lý giải, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tật khúc xạ ở trẻ như nhìn gần tập trung trong thời gian dài khi xem điện thoại, tivi... hoặc thường xuyên học tập trong môi trường ánh sáng không đủ, tư thế ngồi không đúng hay cúi sát mặt vào bàn học… Ngoài ra, có một tỷ lệ rất nhỏ do di truyền từ bố, mẹ; cấu trúc bất thường của giác mạc và thủy tinh thể.

Đáng chú ý, chuyên gia cảnh báo, trong thời gian nghỉ hè, trẻ không đi học mà ở nhà xem tivi, điện thoại, đọc truyện, chơi game… khiến tình trạng số trẻ mắc tật khúc xạ có nguy cơ tăng cao. Bên cạnh đó, chính việc cha mẹ cho rằng, cận thị, viễn hay loạn thị ở trẻ không có gì nguy hiểm cũng là một phần lý do khiến số trẻ mắc tật khúc xạ tiến triển nhanh.

Đồng quan điểm, BS Đặng Thị Như Quỳnh chia sẻ, mặc dù các bác sĩ luôn khuyến cáo cha mẹ đưa trẻ đi khám định kỳ, tuy nhiên nhiều bố mẹ vì bận nên quên mất lịch khám. Hậu quả là trẻ đeo kính thiếu số, mắt điều tiết tăng lên, trẻ càng cúi gằm mặt, từ đó làm dẫn đến nguy cơ tăng số nhanh.

“Thường sau nửa năm đến một năm, độ cận của trẻ tăng 0,5-1 điốp. Việc trẻ đeo kính đúng số sẽ hạn chế tăng việc tăng độ cận”- BS Quỳnh nói và cho biết hiện y học có nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm làm giảm sự gia tăng độ cận như một số thuốc ức chế điều tiết mắt hay đeo kính áp tròng ban đêm…

Thực tế, các chuyên gia y tế cho biết, từ 0-17 tuổi là giai đoạn độ cận tiến triển nhanh, ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. Đối với cận thị, căn bệnh này có thể gây bong, rách võng mạc hoặc tăng nhãn áp. Nếu cận thị không được điều chỉnh sẽ làm giảm thị lực và là yếu tố gây cản trở cho sinh hoạt hàng ngày và lựa chọn nghề nghiệp của trẻ trong tương lai. Khi bị cận thị nặng, nhãn cầu mắt to ra sẽ kéo giãn các thành phần quang học đi kèm gây thiếu hụt cung cấp máu, khiến tình trạng đục thủy tinh thể, glôcôm đến sớm; còn võng mạc bị kéo mỏng đi sẽ gây ra hàng loạt các biến đổi và bệnh lý nguy hiểm như thoái hóa võng mạc, bong rách võng mạc… Đây đều là những bệnh lý mắt có thể gây mù hàng đầu hiện nay, làm suy giảm nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Để phòng tránh tật khúc xạ, các chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ cần đảm bảo trẻ có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý, để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ mỗi giờ phải nghỉ 10-15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt. Khi cảm thấy trẻ có vấn đề về mắt nên đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị, tránh dùng các biện pháp chữa dân gian hoặc các cơ sở không đảm bảo uy tín, sẽ ảnh hưởng tới thị lực trẻ sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ mắc các tật khúc xạ tăng nhanh