Ông già Noel là một nhân vật vui nhộn gây ấn tượng mạnh với các em nhỏ trong dịp Giáng sinh. Tất nhiên, khi lớn, trẻ em sẽ biết sự thật về ông già Noel.
Câu chuyện về ông già Noel luôn mang lại niềm vui cho trẻ em trên toàn thế giới. Trong dịp Giáng sinh, một câu chuyện về ông già Noel vui tính, râu tóc bạc phơ, trèo xuống ống khói vào ngày 24/12 với một bao đầy quà trong xe trượt tuyết của mình.
Hầu hết trẻ em tin rằng ông già Noel là có thật cho đến khi chúng khoảng 8 tuổi. Khi được 5 hoặc 6 tuổi, nhiều trẻ có thể phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng, nhưng chúng vẫn giữ câu chuyện thần thoại đặc biệt về ông già Noel lâu hơn một chút vì một số lý do cá nhân.
Thực ra, thật vui khi trẻ nhỏ tin vào sự tồn tại của ông già Noel. Nếu cha mẹ, giáo viên và bạn bè đồng trang lứa cũng ủng hộ câu chuyện này thì trẻ em có thể có ít lý do hơn để nghi ngờ.
"Đây là giai đoạn phát triển của thời thơ ấu, trong đó trẻ nhỏ có thể dễ dàng tin vào những mối liên hệ không có thật giữa các sự kiện", Gail Saltz, phó giáo sư về tâm thần học tại New York, Mỹ chia sẻ.
Nếu trước đó, những món quà chưa có dưới gốc cây thông và sau đó, những chiếc bánh quy đã được ăn hết, trẻ em dưới 8 tuổi có thể suy luận rằng ông già Noel rõ ràng phải tồn tại.
Những chi tiết khó tin khác (như câu hỏi, liệu ông già Noel có thể đi xuống mọi ống khói trên thế giới trong một đêm hay không) có thể được giải thích bằng ý tưởng về phép thuật.
Phó giáo sư Saltz nói: "Khoảng từ 8 đến 10 tuổi, trẻ em bắt đầu phát triển khả năng suy luận và điều đó khiến chúng nghi ngờ liệu những câu chuyện mà chúng đã nghe về ông già Noel có phải là sự thật hay không. Đây là lúc chúng có khả năng đặt câu hỏi. Một số trẻ có thể đặt câu hỏi thăm dò, nhưng những trẻ khác có thể tự tìm ra câu trả lời".
Khi nào nên nói sự thật về ông già Noel?
Bạn không cần phải sớm nói sự thật với con mình, đặc biệt nếu chúng có vẻ thực sự thích câu chuyện về ông già Noel. Nếu con bạn nghiêm túc hỏi rằng ông già Noel có thật không và bạn nhận thấy mức độ nghi ngờ lớn của con trẻ, hãy cho chúng biết sự thật. Việc nói dối một đứa trẻ đã sẵn sàng cho sự thật có thể gây hại.
Phó giáo sư Saltz nói: "Nếu con bạn hỏi bố mẹ một cách trực tiếp vì chúng đang đến tuổi phát triển những nghi ngờ dựa trên kỹ năng suy luận của mình thì tôi nghĩ tốt nhất là bạn nên thành thật với chúng".
Hãy tận hưởng điều kỳ diệu của ông già Noel, miễn là điều đó khiến con bạn hạnh phúc nhưng đừng che giấu sự thật khi chúng đã đủ lớn để hiểu được điều đó.
Bạn có thể tạo một chiều hướng tích cực cho cuộc trò chuyện về ông già Noel bằng cách tập trung vào ý nghĩa của Giáng sinh, đó là tình yêu, gia đình và truyền thống.
Truyền thuyết về ông già Noel
Thực ra ông già Noel được dựa trên hình tượng của vị thánh Nicolas. Thánh Nicolas sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có ở Bắc Âu. Từ nhỏ, ngài đã sùng đạo, một lòng tin vào Thiên Chúa và có một tấm lòng bao dung, luôn quan tâm những người nghèo khó.
Một giai thoại nổi tiếng về ngài đó là chuyện về việc những đồng tiền vàng bỏ trong chiếc tất. Trong một lần đi dạo, thánh nhân đã gặp một gia đình nghèo có ba người con gái đã đến tuổi cưới xin, nhưng vì quá nghèo nên không ai muốn lấy họ. Tối đó, ông đã bí mật thả những đồng tiền vàng vào trong ống khói nhà đó và thật may mắn, chúng rơi trọn vào trong chiếc tất. Sáng hôm sau, người cha thấy điều kỳ diệu đó vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng khôn xiết thốt lên: “Cảm tạ ơn Chúa vì ơn lành của ngài.” Bằng việc làm âm thầm đó của Nicolas, ba chị em nhà đó đã được yên bề gia thất.
Đặc biệt, ngài có một tình yêu to lớn với trẻ em. Hằng năm vào mùa đông, ngài mặc thường phục và đến những ngôi làng nhỏ để phát quà cho trẻ em. Đây chính là hình ảnh đầu tiên về ông già Noel tốt bụng, với bộ đồ màu đỏ luôn mang những món quà đến cho trẻ nhỏ.
Ông già Noel xuất hiện đầu tiên ở Châu Âu, rồi tới toàn thế giới qua bóng dáng một cụ già đẹp lão, râu tóc bạc phơ, mặc áo choàng đỏ viền trắng, thắt lưng da đen, đội mũ chóp đỏ, lưng vác một giỏ lớn đây đồ chơi và bánh kẹo cho thiếu nhi.
Người ta còn thi vị hóa hình ảnh ông già Noel đem niềm vui đến cho trẻ em bằng cách cho ông leo qua ống khói lò sưởi, đặt bánh kẹo, đồ chơi vào những chiếc giày cạnh lò sưởi hay chiếc vớ mà các em nhỏ treo trên cửa sổ. Mục đích chủ yếu là để dạy dỗ, khuyến khích những đứa trẻ học tập chăm ngoan để nhận được quà tặng, còn phần quà đa phần đến từ bố mẹ, người thân chuẩn bị cho các bé. Sự thật thì không có ông già Noel nào phát quà vào đêm Giáng sinh cả.