Giáo dục

Trẻ tự kỷ bị bạo hành: Làm sao hạn chế nguy cơ?

Giao Bảo (thực hiện) 13/03/2024 15:52

Dư luận và nhất là những phụ huynh có con tự kỷ những ngày gần đây không khỏi thất vọng trước hình ảnh đứa trẻ tự kỷ bị cô giáo kéo tóc, đánh… tại Viện Nghiên cứu tâm lý - giáo dục đặc biệt chi nhánh Cầu Vồng Sơn Trà (TP Đà Nẵng).

Theo chuyên gia tâm lý, ThS Nguyễn Viết Hiền (Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), để hạn chế nguy cơ trẻ tự kỷ bị bạo hành, phụ huynh cần lựa chọn cơ sở giáo dục uy tín, giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành. Đối với lĩnh vực làm việc trực tiếp với trẻ em, yêu trẻ là yếu tố đặt lên hàng đầu.

anh1.jpg
ThS Nguyễn Viết Hiền.

PV: Tại Việt Nam, nhắc đến trẻ tự kỷ, nhiều người vẫn có cái nhìn không tích cực. Các gia đình có trẻ em tự kỷ cũng vì vậy mà thường không cởi mở để tìm cách chạy chữa cho con em mình. Quan điểm của bà về vấn đề này?

ThS Nguyễn Viết Hiền: Trước kia, nhiều người có định kiến về trẻ khuyết tật, là những trẻ không bình thường về thể chất và tâm thần, không riêng trẻ tự kỷ mà cả những trẻ mắc các loại tật khác. Vì thế một số gia đình có con tự kỷ họ rất tự ti, tiêu cực, chán nản, bất lực,…

Bên cạnh đó, vẫn có những gia đình ấp ủ hi vọng con sẽ tiến triển, sẽ hoà nhập được vào cộng đồng, sẽ đi học phổ thông. Chính những gia đình này lan toả động lực cho nhau, cùng với kết quả của can thiệp sớm trên những trẻ tự kỷ cho thấy những trẻ này khi được can thiệp sớm thì cải thiện rất nhiều. Vì vậy đã có những trẻ đi học phổ thông, học nghề và tự nuôi sống bản thân được.

Nhìn vào kết quả đó, chắc hẳn các phụ huynh đã có câu trả lời cho mình: Can thiệp sớm cho con hoặc là bỏ cuộc. Trong hành trình của con, cha mẹ là người đồng hành lâu dài nhất. Cha mẹ hãy nâng cao nhận thức cho mình về tự kỷ bằng cách tìm hiểu kiến thức mọi lúc mọi nơi, lựa chọn nơi uy tín để gửi gắm con, kiên trì đồng hành và kết nối với các phụ huynh khác, các chuyên gia trong ngành để có thêm động lực, thêm kiến thức, kỹ năng can thiệp cho con.

anh2.jpg
ThS Nguyễn Viết Hiền trong một lần đến Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình tập huấn cho các giảng viên về can thiệp sớm cho trẻ rối loạn tự kỷ, tăng động, chậm nói,...

Là người thường xuyên đứng lớp giảng dạy các khóa học dành cho giáo viên mầm non, chuyên biệt..., bà có thể cho biết, giáo viên dạy trẻ tự kỷ cần có chuyên môn, kỹ năng quan trọng nào?

- Dạy trẻ tự kỷ có 3 hình thức: Can thiệp nhóm; can thiệp cá nhân; học hoà nhập.

Can thiệp nhóm là một nhóm trẻ tự kỷ học chung một lớp. Trẻ tự kỷ học mô hình này vẫn có giờ can thiệp cá nhân. Thông thường, những trẻ tự kỷ cần hỗ trợ nhiều sẽ học mô hình này.

Can thiệp cá nhân là hình thức can thiệp 1 giáo viên can thiệp 1 trẻ trong phòng riêng, ngoài giờ can thiệp cá nhân, trẻ vẫn học bình thường ở lớp mầm non.

Học hoà nhập là việc trẻ tự kỷ học chung với các trẻ bình thường trong lớp hoà nhập. Thông thường, mỗi lớp sẽ có 1-2 trẻ đặc biệt học hoà nhập cùng các trẻ bình thường.

Giáo viên dạy trẻ tự kỷ cần có những chuyên môn, kỹ năng như: Có hiểu biết những kiến thức để hiểu về trẻ tự kỷ; Có hiểu biết và thực hành được các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ; Có kỹ năng xây dựng mục tiêu và kế hoạch can thiệp cá nhân cho trẻ tự kỷ; Có kỹ năng thiết kế và tổ chức hoạt động can thiệp cho trẻ tự kỷ; Có kỹ năng đánh giá mức độ phát triển của trẻ.

Bên cạnh đó, giáo viên dạy trẻ tự kỷ cũng cần kỹ năng nghiên cứu khoa học để nghiên cứu, áp dụng các phương pháp vào thực tế, biết phân biệt phương pháp có thực chứng với các phương pháp chưa thực chứng để lựa chọn các phương pháp hiệu quả trong can thiệp.

Bà có thể gợi ý những hành động cụ thể, để hạn chế nguy cơ trẻ tự kỷ bị bạo hành khi đi học?

- Một số lời khuyên cho phụ huynh để ngăn chặn nguy cơ liên quan đến việc trẻ tự kỷ bị bạo hành khi đi học, đó là: Chọn cơ sở giáo dục uy tín, giáo viên có bằng cấp đúng chuyên môn. Đối với lĩnh vực làm việc trực tiếp với trẻ em nói chung, với trẻ tự kỷ nói riêng, yêu trẻ là yếu tố đặt lên hàng đầu.

Khi một người lựa chọn công việc đồng hành cùng trẻ, trong họ đã có lòng yêu trẻ. Tuy nhiên, sự nhẫn nại, kiên trì, hiểu trẻ, hiểu pháp luật, nắm vững chuyên môn dạy trẻ không tự nhiên có sẵn mà cần được đào tạo. Việc nuôi dạy một trẻ tự kỷ rất khó khăn và áp lực. Khi quá căng thẳng, nếu không kiểm soát được cảm xúc bản thân có thể phát sinh những hành vi tiêu cực đối với trẻ.

Chính vì vậy, phụ huynh cần lựa chọn cơ sở giáo dục uy tín, giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành để giáo dục con. Bởi lẽ, một giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành, họ sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ đúng đắn khi làm việc với trẻ tự kỷ. Họ hiểu trẻ và có thể can thiệp giúp trẻ tiến bộ. Bên cạnh đó, họ cũng được giáo dục về đạo đức nghề nghiệp để biết những gì nên và không nên làm với trẻ. Họ được bồi dưỡng lòng yêu nghề, yêu trẻ, sự kiên trì, nhẫn nại, sự quyết tâm để giúp con tiến bộ.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên tìm hiểu phản hồi của các phụ huynh khác khi có con học tập tại trung tâm, quan sát cách giáo viên tương tác với con trong lúc đón trẻ, trả trẻ để có những cảm nhận về sự an toàn tâm lý cho con ở lớp. Trong quá trình con theo học tại trung tâm, cần quan sát các biểu hiện của con để nhận biết con có đang vui vẻ, hạnh phúc khi học ở trung tâm này không, cũng có thể có một số trẻ tự kỷ chưa thể hiện cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc một cách rõ ràng, phụ huynh cần so sánh cảm xúc tích cực của con có suy giảm hơn so với trước đó không, để kịp thời ngăn ngừa những hành vi không đáng có với con.

Trẻ tự kỷ rất khó khăn, thậm chí một số trẻ không thể diễn đạt lại cho cha mẹ về những gì đã diễn ra với con. Vì thế, sự hiểu biết của cha mẹ về vấn đề này rất quan trọng trong việc ngăn chặn những nguy cơ liên quan đến việc trẻ tự kỷ bị bạo hành khi đi học.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ tự kỷ bị bạo hành: Làm sao hạn chế nguy cơ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO