Do dịch bệnh Covid-19, các trường học phải đóng cửa nhưng nhiều gia đình vẫn lùng sục đăng ký các lớp học tiền lớp 1, thực chất là làm toán, luyện chữ cho con để mong con không bị “đuối” ngay từ vạch xuất phát so với bạn bè.
Không học trước không được!
Đây là quan điểm của một phụ huynh có con vừa học xong chương trình lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông 2018 chia sẻ trên một diễn đàn làm cha mẹ nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc cha mẹ khác. Người mẹ này chia sẻ, bé lớn học chương trình hiện hành, gia đình đã không cho con đi học trước nên có phần “hụt hơi” hơn các bạn cùng lớp. Đến bé thứ 2, rút kinh nghiệm, chị tự dạy con đọc sách, làm toán trước ở nhà, chỉ gửi đến cô kèm thêm con viết chữ một tháng dịp hè trước khi vào lớp 1.
“Nghĩ rằng chương trình mới sẽ giảm tải hơn, hóa ra con còn phải biết nhanh, biết nhiều chữ hơn so với cùng thời điểm nếu học chương trình hiện hành. Chưa kể năm học này nghỉ liên miên vì dịch bệnh, nên nếu con không đọc vững, viết thành thạo thì nghỉ học nhiều có khi quên mất kha khá kiến thức như trường hợp nhiều bạn học cùng lớp với con tôi. May bé nhà tôi đã học trước nên dù nghỉ dài cũng không lo khi kiểm tra, đánh giá bé không nhớ gì vì các kiến thức này đã nhuần nhuyễn” – vị phụ huynh này chia sẻ.
Trên thực tế, năm nào vấn đề học chữ trước khi vào lớp 1 cũng gây nhiều tranh cãi trong các bậc phụ huynh. Thông thường, mọi năm sau nghỉ Tết, các bậc phụ huynh đã bắt đầu tìm lớp luyện chữ cho con. Song năm nay dịch bệnh nên nhiều gia đình hoãn lại chờ dịp hè. Nhưng rồi dịch bệnh bùng phát tại nhiều địa phương, trường học cũng đóng cửa nên việc học lại một lần nữa tạm xếp lại. Nhiều cô giáo nhận dạy kèm vào lớp 1 có tiếng ở các trường tiểu học cũng từ chối không mở lớp tại nhà dù phụ huynh đặt vấn đề.
Không nản lòng, các phụ huynh tìm các cách khác nhau để con vẫn được học trước chương trình. Nếu gia đình có người kèm cặp được bé thì quá thuận lợi, còn không, một số phụ huynh sẽ mời cô giáo đến tận nhà dạy cho một nhóm các con chuẩn bị vào lớp 1.
Đặc biệt ở các khu vực đông dân cư, việc gom lớp như thế này rất dễ dàng do có nhiều bố mẹ “cùng chí hướng” hoặc tâm lý lo con thua kém bạn bè. Một bài viết đăng gom lớp dạy tiền lớp 1 do một mẹ đứng ra tổ chức học tại nhà ở Thanh Trì, Hà Nội nhận được hàng trăm bình luận cho thấy nhu cầu dạy kèm trẻ các kiến thức chuẩn bị vào lớp 1 luôn nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh, dù khi học chương trình hiện hành những năm trước đây hay khi đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi về chương trình, sách giáo khoa…
Chị Nguyễn Minh Lan (KĐT Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) cho biết sau khi nhờ người quen giới thiệu, cô giáo chị dự định xin cho con vào học lớp 1 cũng đồng ý nhận dạy kèm cho con. Mỗi buổi 1 tiếng 30 phút, 70 nghìn/học sinh. Còn nếu ở nhà cô cả ngày, sáng đưa đi, chiều đón về thì 180 nghìn.
Lo con học nhiều quá sẽ chán nên gia đình đưa con đến lớp, hết giờ thì thuê bác hàng xóm đón về để ông bà trông”, chị Lan cho hay. Đây cũng là lựa chọn của nhiều gia đình hiện nay khi không học thì lo con thua kém bạn bè, học nhiều lại lo con căng thẳng, vất vả…
“Dục tốc bất đạt”
Mặc dù có một số phụ huynh phản biện rằng cứ để tự nhiên vì tư duy mỗi trẻ mỗi khác. Thời gian đầu vào lớp 1 con có thể chậm hơn các bạn khác nhưng sau đó sẽ đuổi kịp và thích nghi dần dần… Tuy nhiên, không nhiều bố mẹ chọn “cách mạo hiểm” như vậy với tương lai của con.
Ai cũng mong muốn cho con có một khởi đầu tốt nhất nên dù trong tình hình dịch bệnh hiện nay, học sinh dừng đến trường nhưng phụ huynh vẫn không vì thế ngừng lên kế hoạch tìm kiếm lớp học thêm cho các cô bé, cậu bé chuẩn bị vào lớp 1.
Chuyên gia giáo dục sớm NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng thực tế dạy học tiền lớp 1 không nên hiểu là chỉ bao gồm làm toán, luyện viết chữ, học ghép vần… Việc thay đổi từ môi trường giáo dục mầm non sang giáo dục tiểu học là một bước tiến lớn đối với mỗi đứa trẻ. Bố mẹ cần trang bị cho con trước hết những hiểu biết cơ bản nhất về ngôi trường mới, các hoạt động mới cần làm khi đến trường, đơn cử như việc không được chạy nhảy tự do trong lớp học, chỉ nói chuyện trong giờ ra chơi… Rồi các thói quen, tác phong khi trở thành học sinh tiểu học cũng cần nhanh nhẹn và chủ động, tự lập hơn thay vì ngồi chờ cô xúc cơm cho như hồi mẫu giáo…
“Rất nhiều kỹ năng cần phải học và luyện tập trước khi vào lớp 1 mà không một lớp học nào dạy tốt hơn chính bố mẹ và những người thân trong gia đình của các em. Thay vì đưa con đến hết lớp học thêm này đến lớp học thêm khác, cha mẹ cần dành thời gian để trò chuyện, hướng dẫn con hành trang cần phải có khi chuẩn bị vào lớp 1, vào 1 cấp học mới”, NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh nêu quan điểm.
Chia sẻ thêm, ông cho rằng việc học chữ hay làm quen với toán trước khi vào lớp 1 nên phụ thuộc vào từng đứa trẻ. Không phản đối việc dạy trước bởi trên thực tế, trong chương trình giáo dục phổ cập 5 tuổi, học sinh đã làm quen và nhớ hết bảng chữ cái rồi.
Việc các em ghép thành chữ, thành câu sẽ là bước tiếp theo nhưng thời lượng ra sao, cách dạy học thế nào thì lại là vấn đề lớn bởi ở mỗi độ tuổi, mức độ tiếp thu khác nhau, mức độ tiếp thu của mỗi trẻ cũng khác nhau.
Nếu bố mẹ nóng vội muốn con biết chữ trước mà không quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý của con, không để ý đến cảm nhận của trẻ thì có thể sẽ phản tác dụng, khiến con vào học lớp 1 hoặc chủ quan vì biết rồi, hoặc chán ngán vì học quá nhiều trong khi các bạn khác vẫn đang thoải mái rong chơi…