Trên 30.000 hồ sơ chưa được xác nhận người có công

Khanh Lê 17/07/2017 14:34

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp, cả nước còn khoảng trên 30.000 trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận người có công (NCC). Trong đó, có 5.900 trường hợp liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

Quanh cảnh hội thảo.

Sáng 17/7 tại Hà Nội, Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ LĐTB&XH, báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức hội thảo Hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi NCC.

Đánh giá về chính sách ưu đãi NCC, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, các địa phương đã thực hiện chính sách về cơ bản đạt yêu cầu, đúng đối tượng với gần 96% đối tượng NCC được hưởng đầy đủ các chế độ, 4,16% còn hưởng chưa đầy đủ, 0,09% hưởng sai chế độ chính sách. Sau khi tập trung giải quyết, đến nay đã có 4,16% đối tượng là NCC đã được hưởng chính sách.

Tuy nhiên, hiện cả nước còn khoảng trên 30.000 trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận người có công, trong đó có 5.900 trường hợp liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương bình.

Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách vẫn còn một số hạn chế bất cập.

"Cần phải sớm tổng kết, đánh giá toàn diện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công, xây dựng và ban hành Pháp lệnh mới thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công nhằm thực hiện tốt hơn việc ưu đãi người có công, đánh giá đúng tầm quan trọng của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng trọng hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như trong đời sống xã hội", Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh.

Đánh giá về những vướng mắc, hạn chế trong hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, một số văn bản hướng dân thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, NCC giúp đỡ cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh Ưu đãi người có công) chưa đảm bảo sự thống nhất với quy định của Pháp lệnh.

Một số quy định liên quan đến công tác xác nhận người có công, thực hiện chính sách ưu đãi... còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác tổ chức thực hiện. Đối tượng thuộc diện thủ hưởng chính sách ngày càng mở rộng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực thế, chính đáng của đối tượng người có công.

Theo ông Mai, hiện chưa có chế độ BHYT thân nhân của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; chưa quy định chế độ BHYT, hỗ trợ nhà ở đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác.

Ngoài ra còn một số vấn đề về hồ sơ tồn đọng do thiếu giấy tờ gốc; vấn đề cải thiện nhà ở đối với người có công; chế độ đối với thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Từ những ý kiến trên ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, việc hoàn thiện pháp luật về chính sách NCC đang có hai ý kiến khác nhau, một là sửa đổi Pháp lệnh, hai là xây dựng Luật. Được biết, Ban Bí thư đã thảo luậnvà sắp tới đây sẽ ra chỉ thị về sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công.

Như vậy nhiệm vụ trước mắt là tập trung nghiên cứu, tham mưu để sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công. Nhưng với góc độ Văn phòng Quốc hội, chúng tôi đã tham khảo ý kiến một số đại biểu Quốc hội và mong muốn về lâu dài chúng ta sẽ xây dựng Luật về Người có công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trên 30.000 hồ sơ chưa được xác nhận người có công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO