Khái niệm công nghiệp văn hóa tới nay đã dần trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, để có được sự bứt phá thì còn nhiều việc phải làm.
Những năm gần đây Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến quen thuộc của bạn bè, du khách, nghệ sĩ và giới tổ chức show diễn quốc tế. Trong đó, TPHCM là địa phương đang đi đầu trong việc phát triển công nghiệp văn hóa của cả nước. TPHCM đã tạo được sức hút qua một số chương trình như Lễ hội âm nhạc quốc tế HOZO, Liên hoan phim Quốc tế TPHCM HIFF…
Theo NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, đây mới chỉ là bước đầu. “Câu hỏi đặt ra là phải làm sao để ngày càng nhân rộng hơn nữa những sự thành công và sức ảnh hưởng” - bà Thúy nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa - nghệ thuật (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), hiện nay đang là giai đoạn quan trọng để có thể phát triển các ngành văn hóa, nghệ thuật. Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang được thế giới quan tâm. Do đó, việc phát triển công nghiệp văn hóa cần phải thực hiện nhanh chóng, trước khi thị trường chuyển sang châu Phi, châu Mỹ Latin.
“Khi nào doanh nghiệp của ngành công nghiệp văn hóa có thể tạo ra sản phẩm bền vững thì ta mới có được khả năng cạnh tranh so với quốc tế” - bà Hà nói đồng thời kêu gọi phải gắn công nghiệp văn hóa với cuộc cách mạng 4.0 về kỹ thuật số và công nghiệp số.
Trong khi đó, NSND Mỹ Uyên - Giám đốc Sân khấu nhỏ 5B và đạo diễn Quốc Thảo - Giám đốc Sân khấu kịch Quốc Thảo cho rằng sân khấu hiện đang rất thiếu cơ sở vật chất, các nhà hát hiện khá cũ kỹ, trong khi nhà thi đấu đa năng hay sân vận động… thì thiếu đi tính đa năng, khó bề chuyển đổi sang mục đích khác khi có nhu cầu.
Đạo diễn Vân Trình (Kiki Tran) - người thuộc thế hệ trẻ, đã mang khá nhiều show diễn Việt Nam ra nước ngoài cho biết, đội ngũ sáng tạo Việt Nam rất giỏi chuyên môn nhưng thiếu va chạm trong việc tham gia các chương trình lớn. Anh cho rằng, nền công nghiệp văn hóa cũng nên quan tâm đến cộng đồng kiều bào ở các nước, vì đây cũng là thị trường tương đối tiềm năng.
Thực tế cho thấy, ngoài sự khởi sắc về doanh thu điện ảnh, du lịch văn hóa, thời trang, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”. Thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc có sức mạnh mềm văn hóa cùng khu vực châu Á với Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Trong các nguyên nhân, lỗi chủ quan là chính vì chúng ta đã không theo kịp sự phát triển của công nghiệp văn hóa.
Đáng chú ý khi TS Nguyễn Thị Thanh Hoa - Viện Văn hóa nghệ thuật cho rằng hiện còn thiếu đồng nhất về dữ liệu văn hóa. Chẳng hạn, báo cáo của Cục Nghệ thuật biểu diễn và các nghiên cứu khác hiện không cho thấy được con số chính xác về số lượng các địa điểm biểu diễn hiện có tại Việt Nam. Việc khó khăn trong tổng hợp số liệu này phản ánh sự thiếu vắng của cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và những doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Việc thiếu vắng dữ liệu này, cho thấy sự cần thiết phải cải thiện hơn nữa hệ thống báo cáo và thống kê văn hóa ở Việt Nam.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, một trong những hạn chế của thị trường văn hóa Việt Nam chính là hợp tác công tư chưa được khai thác hiệu quả, khi mà đã co tới gần 200 không gian sáng tạo đa dạng trên toàn quốc (không gian văn hóa, nghệ thuật; không gian thiết kế, thương mại điện tử, ứng dụng phần mềm…). Đây là một lợi thế kết nối thị trường. Tuy nhiên, các cơ sở hạ tầng văn hóa và không gian sáng tạo vẫn chưa quyết liệt trong mở cửa cho khu vực tư nhân đầu tư.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam), ở nước ta các dự án công tư đã có những thành công ở hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông. Trong khi đó, một mô hình tương tự ở lĩnh vực văn hóa vẫn chưa hình thành do còn nhiều vướng mắc. Bà Phương cũng cho rằng việc vận hành chính sách ở địa phương rất quan trọng. Nó cũng đòi hỏi lãnh đạo địa phương am hiểu về lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo để có thể điều hành.
Trở lại với nghệ thuật biểu diễn âm nhạc - lĩnh vực dễ nhận thấy nhất trong khái niệm công nghiệp văn hóa. Tại cuộc hội thảo Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số, do Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL tổ chức cách đây chưa lâu, ông Trần Thăng Long (Trưởng bộ phận nghệ sĩ nội địa, tác phẩm và marketing, Universal Music VN) đã nói về câu chuyện sản xuất âm nhạc tại Việt Nam bằng giá MV. Ông Long cho biết, nhiều nhà sản xuất nước ngoài vô cùng ngạc nhiên khi biết giá thành sản xuất MV của ca sĩ Việt Nam thường khoảng 1 - 2 tỉ đồng/MV (thời điểm năm 2019). Trong khi đó, cùng thời điểm, tại Thái Lan số tiền chỉ rơi vào khoảng 300 triệu đồng.
“Họ ngỡ ngàng vì sự chịu chơi của người Việt. Họ thắc mắc là với giá MV như vậy, Việt Nam phải là thị trường âm nhạc phát triển nhất Đông Nam Á. Nhưng không, chúng ta luôn ở nhóm dưới. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi vì sao giá thành sản xuất 1 MV của chúng ta lại đắt đến thế, và hiệu quả đến đâu?”- ông Long lưu ý.
Cùng chung băn khoăn, nhiều người cho rằng chúng ta có thị trường âm nhạc nhưng ca sĩ lại không sống bằng âm nhạc mà sống bằng hợp đồng quảng cáo. Âm nhạc được xem như trào lưu thời thượng, nên họ mới đầu tư nhiều đến vậy cho MV, họ phải chắt chiu để ra MV triệu view. Cũng vì thế, ca sĩ không đầu tư vào album, vào các dự án có tính thể nghiệm hơn và cũng rủi ro hơn.
Thông qua TikTok và các nền tảng mạng, nghệ sĩ không chỉ thành công ở thị trường trong nước mà còn được biết đến ở khu vực, thế giới. Lúc đó, bạn không cần phải đầu tư những MV siêu đắt nữa, mà âm nhạc của bạn sẽ được lắng nghe ở mọi nơi" - ông Long nói.
Nhạc sĩ Quốc Trung cũng cho rằng cần thay đổi tư duy khi quản lý âm nhạc trên nền tảng số. Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, quy trình quản lý hành chính của chúng ta đang không theo kịp sự phát triển. Các thủ tục hành chính được giản lược, chứ không để tình trạng các bài hát đã phát trên mạng từ lâu rồi vẫn phải duyệt lại khi có chương trình mới. Chưa kể đến việc có thể có các suy diễn về tác phẩm làm ảnh hưởng tới quá trình cấp phép.
Ở một góc nhìn khác, luật sư Phan Anh Tuấn - Giám đốc Công ty luật PhanLaw, cho rằng trên nền tảng số của chúng ta hiện nay có quá nhiều người… vi phạm giỏi. Ông Tuấn cho biết suốt chục năm qua nhiều người đã cùng chiến đấu với các "website bất tử ở Việt Nam", đó là những trang phát nội dung vi phạm bản quyền mà cứ bị đóng cửa là được dựng lại với tên gần giống. Gần đây lại có thêm nạn bình luận tóm tắt phim trên TikTok. Gọi là bình luận nhưng thực chất là tiết lộ hết nội dung phim. Điều này khiến người làm phim thiệt hại do khán giả đã xem bản rút gọn đó sẽ không xem phim đầy đủ nữa.
Nếu như vậy thì làm sao phát triển được công nghiệp văn hóa, chỉ nói riêng về lĩnh vực biểu diễn, điện ảnh. Đầu tư nhiều là tốt, nhưng quan trọng nhất vẫn là cách nghĩ, cách làm thì mới đúng bản chất của công nghiệp văn hóa.
Theo Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, trong đó giai đoạn 2025-2030 vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỉ đồng bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 50.000 tỉ đồng; Vốn sự nghiệp: 27.000 tỉ đồng.