Mặt trận

“Tri ân các Anh hùng liệt sĩ bằng tình yêu thương mà chúng ta dành cho nhau”

Dạ Yến 28/07/2024 11:32

Đó là chia sẻ của Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh khi phối hợp với UBND, UBMTTQ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đến thăm và tặng 200 suất quà cho các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và một số hộ nghèo trên địa bàn vào đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024). Những món quà nặng nghĩa ân tình được trao gửi như lời tri ân của một Đại Hiệp sĩ thuộc Giáo hội Công giáo Hoàn vũ tới những người đã không tiếc máu xương, tuổi xuân, hy sinh cho Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của đồng bào.

Huyện Thống Nhất nằm ở trung tâm của tỉnh Đồng Nai. Là huyện nông thôn mới từ năm 2015, năm nay, Thống Nhất đã đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và đang đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là địa phương đầu tiên của Đồng Nai về đích huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024. Trên những con đường thẳng tắp chạy từ quốc lộ tới các miền quê, sức sống mới của một huyện vừa tròn tuổi 20 như bật lên giữa bạt ngàn vườn cao su đương mùa xanh lá, nhựa sống căng tràn.

Thành lập từ ngày 1/1/2004, sau 20 năm, huyện Thống Nhất đã bước vào hành trình đổi mới. Ấn tượng nhất là huyện tập trung phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, nhất là lao động nông thôn. Trong đó, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách người có công và bảo trợ xã hội.

img_6614.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh thăm hỏi thương binh hạng 3 Phan Thanh Hiệt.

Trở về Thống Nhất vào đúng dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ, chúng tôi gặp thương binh hạng 3 Phan Thanh Hiệt, ở thị trấn Dầu Giây. Trong không khí của những ngày tháng 7 tri ân, ông Hiệt xúc động nhớ lại những năm tháng xông pha trong lửa đạn. Sinh năm 1952 tại Quảng Trị, như bao thanh niên Việt Nam yêu nước thời bấy giờ, 13 tuổi ông Hiệt đã tham gia cách mạng, 16 tuổi tham gia chiến dịch Mậu Thân ở Huế, 20 tuổi tham gia bảo vệ Thành Cổ ở Quảng Trị trong 81 ngày đêm. Chiến tranh đã lấy đi của ông quá nhiều. Đó là xương máu và đồng đội. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Hiệt chọn Thống Nhất, Đồng Nai làm nơi lập nghiệp. Dù mất hơn 40% sức khoẻ, nhưng người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ Phan Thanh Hiệt vẫn luôn vui vẻ yêu đời, cống hiến sức mình trên nông trường cao su, để những vết thương chiến tranh lùi dần vào quá khứ cho những vùng đất đau thương một thời bắt nhịp hồi sinh.

Đón nhận món quà của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trao gửi, người cựu chiến binh Phan Thanh Hiệt cho rằng, trong những năm qua, chính quyền và các tổ chức đoàn thể luôn quan tâm, chăm lo cho người có công với cách mạng. Nhưng điều làm ông xúc động hơn nữa là ngoài sự chăm lo của Đảng, nhà nước và chính quyền thì món quà chia sẻ của một người Công giáo ưu tú như Đại Hiệp sĩ là một tình cảm hết sức ân tình từ một tôn giáo dành cho người có công với cách mạng. Nghĩa cử này trở thành nguồn cổ vũ động viên lớn lao để ông và đồng đội của mình cũng như thân nhân những gia đình có công vượt lên khó khăn, phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, phát huy truyền thống cách mạng tiếp tục cống hiến sức mình để xây dựng quê hương giàu mạnh.

Theo ông Trần Đức Hoà Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, hiện Thống Nhất có 552 đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng, trong đó có 3 mẹ Việt Nam Anh hùng. Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, trong thời gian qua, huyện đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng cũng như tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Hằng tháng, huyện thực hiện chi trả trợ cấp kịp thời cho các đối tượng có công với cách mạng với tổng số tiền hơn 900.000.000 đồng. Nhân dịp lễ 27/7, Tết Nguyên đán, UBND huyện đều có hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tặng quà cho người có công với cách mạng. Ngoài thực hiện chính sách trợ cấp hàng tháng, điều dưỡng, cấp dụng cụ chỉnh hình theo quy định, huyện còn làm tốt việc cấp tiền ưu đãi trong giáo dục và đào tạo cho những học sinh, sinh viên là con của người có công với cách mạng.

img_6546.jpg
Ông Trần Đức Hoà trao quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Gia Tân 1.

Bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc với tấm lòng của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và những người bạn đồng hành dành cho người có công và người nghèo khó trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Trần Đức Hoà cho rằng, đây là một nghĩa cử cao đẹp, đúng với tinh thần bác ái của người Công giáo sống theo Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Nghĩa cử này cần lan toả trong xã hội, nhất là với những địa bàn đặc thù như huyện Thống Nhất - nơi có hơn 70 % dân số là đồng bào theo đạo Công giáo.

Đạo Công giáo chỉ mới có mặt ở Việt Nam chưa đầy 5 thế kỷ nhưng tôn giáo này đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lịch sử nước nhà. Đặc biệt những chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn trọng tự do tín ngưỡng – tôn giáo cùng với đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Công giáo Việt Nam, và mới đây nhất là Thư chung 2023 của Giáo hoàng Phanxico gửi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam là dấu mốc lịch sử, bước ngoặt trong quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Vatican, mở ra một chương mới trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Bức thư có ý nghĩa to lớn đã và đang tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của đồng bào Công giáo.

Với Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, trở về huyện Thống Nhất trong những ngày tháng 7 tri ân, cũng là một cách để ông tiếp tục lan toả tinh thần Thư chung 2023 của Giáo hoàng bằng những việc làm cụ thể. Đó là phối hợp với chính quyền, Mặt trận để tạo nên dấu ấn cuộc sống của một người Kitô hữu ở trong thế gian là ưu tiên thực thi bác ái, bằng cách sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc.

img_6673(1).jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh phát biểu tại buổi gặp mặt trao quà cho người có công thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất.

Chia sẻ với người có công với cách mạng trên địa bàn xã Hưng Lộc và Thị trấn Dầu Giây, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng, ngày 27/7 hàng năm được chọn là ngày để ghi nhớ công ơn của các Anh hùng thương binh, liệt sỹ. Nhưng với ông, dịp này, không chỉ nhớ đến những người đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến, mà còn nhớ đến các anh hùng, liệt sỹ, những người đã hy sinh thân mình để quyết giành độc lập tự do cho Tổ quốc như Anh hùng Trương Công Định, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học…Không chỉ nhớ đến những người có tên tuổi, mà còn nhớ đến những người đã ngã xuống mà hậu sinh như chúng ta không thể biết hết được.

“Từ thủa Vua Hùng dựng nước, trải qua mấy nghìn năm, các thế hệ người Việt Nam đã dùng máu của mình để viết nên những trang sử bi hùng như minh chứng cho một khát vọng mãnh liệt: Không chấp nhận làm nô lệ. Máu của họ đã len vào mảnh đất, thịt xương của họ đã trộn lẫn với non sông. Và vì vậy, với những người hậu sinh như chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ hòa bình, độc lập, chủ quyền mà cha ông đã giành và giữ được bằng những việc làm rất cụ thể”, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh khẳng định.

Theo ông, mỗi người có thể đóng góp bằng sức nhỏ của mình, bằng những gì mình có. Đóng góp là để cùng với sự đoàn kết của dân tộc xây dựng đất nước Việt Nam mãi mãi bền vững, phồn vinh, hạnh phúc.

Nhắc tới câu nói “Ngọn muốn vươn đến tột đỉnh của tương lai, rễ phải cắm sâu tận cùng của quá khứ”, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã khẳng định, những người được hưởng nền hoà bình, độc lập ngày hôm nay không được quên nguồn cội, nơi mình sinh ra được làm người, được làm tín đồ tôn giáo, vì để có được ngày hôm nay đã có biết bao người phải hy sinh cho nên, không ai, không một điều gì được lãng quên.

“Tất cả mọi người cùng có trách nhiệm để đoàn kết, yêu thương nhau, chăm lo cho nhau, chăm lo cho người nghèo khó, động viên nhau vượt qua khó khăn bằng chính tình yêu thương chúng ta dành cho nhau. Đó là một cách để tri ân, nhớ ơn những người đã nằm xuống vì Tổ quốc này”, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh chia sẻ.

Trong không khí thân tình, Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh đã đến bên cạnh từng thương binh, thân nhân gia đình người có công để lắng nghe hoàn cảnh và tình trạng sức khỏe của từng người và khẳng định sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, của các thương binh cho đất nước, cho dân tộc là sự hy sinh cao cả nhất.

img_6592.jpg
Ông Đặng Văn Thanh, thành viên HĐQT Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn trao quà cho người có công trên địa bàn thị trấn Dầu Giây.
img_6650.jpg
Ông Trần Thiện, Chủ tịch HĐQT Cảng Long Sơn trao quà cho người có công trên địa bàn xã Hưng Lộc.

Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh đã nói lời cảm ơn ý chí quật cường, sự hy sinh to lớn của các thương binh, liệt sĩ cũng như cảm ơn chính sự chịu đựng phi thường của các thương bệnh binh để cùng quê hương, đất nước tiếp tục vượt lên mọi gian khó. Ông cũng bày tỏ mong muốn các thương binh, với ý chí của người lính Cụ Hồ tiếp tục chiến đấu vượt qua bệnh tật là tấm gương sáng để “chúng cháu noi theo và cũng là những người chiến sĩ, cống hiến sức lực, trí tuệ xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn”.

Nhân dịp này, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và những người bạn đồng hành đã trao quà cho các hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Xuân Thiện và Gia Tân 1.

img_6596.jpg
Lãnh đạo UBND huyện Thống Nhất tặng hoa cảm ơn Hiệp sĩ Đại Thánh giá và những người bạn đồng hành.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Tri ân các Anh hùng liệt sĩ bằng tình yêu thương mà chúng ta dành cho nhau”