Lịch sử ghi nhận trong 175 tồn tại, triều đại nhà Trần đã chứng tỏ là một triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, với dấu son ba lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, làm nên hào khí Đông A chói lọi một thời. Tri ân công đức nhà Trần, từ nhiều đời nay người dân khắp nơi trên cả nước đã lập nhiều đền thờ tưởng nhớ, hương khói phụng thờ...
Rước kiệu Ngọc Lộ tại Lễ hội đền Trần Nam Định đầu Xuân.
Tái hiện, gợi nhớ xuất xứ vương triều Trần
Những ngày này, hòa mình trong dòng người hội tụ về hương Tức Mạc xưa, TP Nam Định ngày nay-nơi phát tích của vương triều Trần, cũng là nơi lễ hội Đền Trần Nam Định (được xây dựng trên đất hành cung Thiên Trường xưa) đang trong những ngày chính hội, chúng tôi cảm nhận rõ lòng thành kính, tri ân công đức nhà Trần của rất đông du khách…
Đến với lễ hội Đền Trần Nam Định, du khách được tham dự nhiều nghi lễ tâm linh truyền thống, mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Một trong đó là nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ, tức nghi lễ rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông - từ Chùa Tháp Phổ Minh về đền Trần (nằm gần chùa) được nhân dân địa phương tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng. Đây là nghi lễ có ý nghĩa tâm linh để Phật Hoàng bái tổ tiên và dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ. Cao hơn, nghi lễ này còn mang ý nghĩa giáo dục con người phải biết tri ân công đức của tiên tổ; hướng tới sự đoàn kết cộng đồng rộng lớn và dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng...
Đến với lễ hội Đền Trần Nam Định, nhiều người cũng rất thích thú khi được chứng kiến nghi lễ “Rước Nước, tế Cá” do cộng đồng địa phương tổ chức vào ngày 12 Tháng Giêng. Theo các bậc cao niên ở địa phương, nghi lễ này mang ý nghĩa tái hiện, tri ân tổ tiên nhà Trần vốn xuất thân từ nghề chài lưới, gắn với sông nước. Dân gian địa phương lưu truyền rằng, vì các bậc thủy tổ nhà Trần xuất thân từ nghề chài lưới nên nhiều người trong dòng tộc nhà Trần thời đó thường có biệt danh gắn liền với một loại cá. Ví như: Trần Kinh là cá Triều đẩu-cá quả, Trần Lý là cá Long ngư-cá chép, Trần Cảnh là cá lành canh…
Nghi lễ rước nước, tế cá gợi nhớ xuất thân chài lưới của nhà Trần.
Vào sáng ngày 12 Tháng Giêng hằng năm, dân thôn Tức Mạc làm lễ dâng sớ, thỉnh chân nhang tại Đền Cố Trạch. Chủ tế (được dân làng bầu chọn, là người khỏe mạnh, có phẩm chất đạo đức tốt, trong năm gia đình không có chuyện buồn) vào lễ xin một nén hương ở bát hương tổ và 14 nén hương ở các bát hương Hoàng đế, cắm vào bát nhang công đồng trên kiệu bát cống...
Kiệu sau đó, được rất đông dân thôn phụ giá trong lễ phục trang nghiêm, cờ biển uy nghi, rồng, lân, chiêng, trống rước ra Giếng cổ để tiến hành nghi thức lấy nước. Sau khi lấy nước, đoàn lễ tổ chức đánh cá tại ao thả cá cạnh Giếng cổ.
Cá được đánh bắt được - gồm hai loại Triều Đẩu-cá quả và Long ngư-cá chép (ứng với hai vị tổ họ Trần là Trần Kinh và Trần Lý) được đựng trong những thúng sơn đỏ để chuyển đến kiệu rồng. Từ 8h30, đoàn bắt đầu rước nước và rước cá về Đền Thiên Trường (thờ 14 vị vua Trần) thực hiện nghi lễ dâng nước và tế cá. Nghi lễ kết thúc bằng việc phóng sinh cá tế tại khúc sông Hồng gần đó…
Chứng kiến nghi lễ này ở Lễ hội Đền Trần năm nay, ông Trần Văn Bội, 75 tuổi, đến từ huyện Nam Trực tâm sự rằng, qua đây ông mới có dịp hiểu rõ hơn nguồn gốc, xuất xứ của các vị thủy tổ nhà Trần. Càng khâm phục hơn khi biết xuất thân chài lưới nhưng nhà Trần đã tạo dựng nên một vương triều hiển hách bậc nhất trong lịch sử, tạo nên hào khí Đông A một thời... Còn anh Trần Quang Minh, quê ở Nam Định, đang theo học tại Hà Nội không dấu được sự háo hức khi xem nghi lễ phóng sinh cá. Theo Minh, nghi lễ này giúp cậu hiểu được một nét đẹp đậm tính nhân văn, đó là phải biết tôn trọng, nâng niu sự sống…
Khai Ấn là một trong ba nghi lễ chính của Lễ hội đền Trần Nam Định đầu Xuân.
Ý nghĩa của nghi lễ Khai Ấn
Điểm nhấn, và cũng là hoạt động thu hút sự quan tâm của nhiều người ở Lễ hội đền Trần Nam Định là nghi lễ Khai Ấn, tổ chức vào giờ Tý, đêm 14 tháng Giêng tại đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, người đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về nghi lễ này, thì nghi lễ Khai Ấn là một tục cổ truyền, được dân thôn Tức Mạc gìn giữ, qua nhiều thế hệ...
Ông Nguyễn Văn Thư cũng cho biết nghi lễ này nói về điển lệ thờ tự ở “Miếu Trần”. Cụ thể, trên Ấn có khắc nổi bốn chữ Hán “Trần Miếu Tự điển” (Điển lệ thờ tự tại miếu nhà/họ Trần), khắc chìm 4 chữ Hán “Tích phúc vô cương” (Ban phúc lộc dài lâu, mãi mãi).
Việc khai Ấn được tổ chức vào giờ Tý là bởi đây là thời điểm chuyển giao giữa ngày cũ sang ngày mới. Người xưa quan niệm “Nhân sinh khởi Tý, Thiên địa khởi Ngọ” (con người bắt đầu công việc vào giờ Tý, trời đất tụ hội vào giờ Ngọ). Với tư duy như vậy, lễ Khai Ấn đầu xuân ở Đền Trần Nam Định có ý nghĩa kết thúc những ngày Tết, bắt đầu công việc của một năm mới...
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Nguyễn Văn Thư: “Ấn Trần miếu Tự điển” không phải là ấn hành chính vì không gắn với một đơn vị hành chính hay chức quan nào, đơn giản chỉ mang ý nghĩa về điển lệ thờ tự ở Miếu Trần. Do được thờ và thực hiện nghi lễ Khai Ấn trong một không gian thiêng, nơi thờ các vị vua Trần và Đức Thánh Trần nên “Ấn Trần miếu Tự điển” mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh. Dân gian địa phương quan niệm, có được lá ấn này là được phù hộ, chở che trong cuộc sống...”.