Sức khỏe

Tri ân gia đình người hiến tạng- lan tỏa nghĩa cử 'Cho đi là còn mãi'

Minh Quang 19/04/2025 16:30

Hơn 100 thân nhân gia đình của 5 người bệnh hiến tạng tại tỉnh Phú Thọ đã được tham gia chương trình Khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí và tri ân gia đình người hiến tạng chết não cứu người – “Cho đi là còn mãi”, được tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ ngày 19/4.

Hành trình nhân văn

Nhằm ghi nhận và tri ân sâu sắc những người hiến tạng, cũng như chia sẻ, động viên tinh thần với gia đình người bệnh – những người dũng cảm, đầy yêu thương và vị tha, Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp với Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ và Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã tổ chức Chương trình Khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí và tri ân gia đình người hiến tạng chết não cứu người - Cho đi là còn mãi.

Chương trình không chỉ là dịp để tưởng niệm và bày tỏ lòng biết ơn, mà còn là cơ hội để lan tỏa thông điệp nhân văn về việc hiến tặng mô/tạng từ người cho chết não. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, khơi dậy tinh thần sẻ chia và tiếp thêm hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân đang chờ đợi cơ hội được sống.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho hay, cùng với hơn 100 thân nhân của gia đình 5 người bệnh hiến tạng cứu người, bệnh viện cũng đồng thời tổ chức thăm khám, cấp thuốc và lan tỏa ý nghĩa của chương trình tới hơn 300 người dân địa phương. Bệnh viện đã đặt mục tiêu thăm khám sức khỏe định kỳ cho thân nhân những người hiến tạng tại địa phương ít nhất một lần trong năm; cấp thẻ BHYT miễn phí cho thân nhân của họ.

Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam
Tri ân gia đình người hiến tạng tại chương trình (ảnh: Hoàng Hiền).

Tại chương trình, ông Hán Văn Nhất (61 tuổi) là người nhà của bệnh nhân Hán Thành Nam đã hiến tạng cứu người- chia sẻ đầy xúc động: Người thân của chúng tôi đã ra đi trong một biến cố bất ngờ. Mất mát ấy tưởng chừng như không gì bù đắp nổi, trong lúc gia đình tôi còn nhiều bối rối, cũng đã có những quan điểm khác nhau. Được sự vận động, tư vấn của các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, chúng tôi đã quyết định hiến tạng của người nhà. Chính nghĩa cử hiến tạng, trao đi sự sống cho những người đang cận kề cái chết đã khiến chúng tôi cảm thấy như người thân vẫn còn đâu đó, đang sống trong hình hài và hơi thở của những người được cứu sống.

"Cháu không mất đi mà đã trở thành ánh sáng thắp lên hi vọng cho những mảnh đời khác. Gia đình chúng tôi càng cảm thấy quyết định hiến tạng là hoàn toàn đúng đắn. Chúng tôi hiểu rằng “Cho đi là còn mãi”, sự cho đi ấy không chỉ là cứu sống những sinh mạng mà còn lưu giữ tình yêu thương nhân ái giữa cuộc đời. Qua đây gia đình chúng tôi cũng mong rằng, sẽ có nhiều hơn nữa những nghĩa cử cao đẹp được nhân lên; nhiều hành động tiến tặng mô tạng được lan tỏa để nhiều người, nhiều cuộc đời có thêm cơ hội được hồi sinh", ông Hán Văn Nhất nói.

4.jpg
Hàng trăm người dân được thăm khám bệnh miễn phí nhân dịp này. Ảnh: Minh Quang.

Nhiều cuộc đời được hồi sinh

Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã thực hiện hơn 9.500 ca ghép tạng; trong đó, ba năm trở lại đây, bình quân mỗi năm thực hiện được khoảng 1.000 ca – một con số thực sự đáng tự hào, đưa chúng ta trở thành quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về hoạt động ghép tạng.

Đáng chú ý hơn, năm 2024 ghi nhận 41 trường hợp hiến tạng từ người cho chết não – tăng gấp bốn lần so với năm 2023, đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong hiệu quả truyền thông và nhận thức của cộng đồng. Đằng sau mỗi con số tưởng như vô tri ấy là một nhịp tim tiếp tục đập khỏe khoắn, là một người mù được tìm lại ánh sáng, là một người thoát được cảnh gắn chặt cuộc đời mình với máy thận nhân tạo, là một gia đình được giữ lại niềm tin và hi vọng.

BS CKII.Trần Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cho hay, hoạt động ghép tạng đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ triển khai từ năm 2015, với ca ghép thận đầu tiên được thực hiện thành công. Đến năm 2024 tỉnh Phú Thọ đã chính thức được ghi tên trên bản đồ hiến tạng Việt Nam.

Từ tháng 6 đến tháng 12/2024, đã có 5 người bệnh chết não được gia đình đồng ý hiến tạng, giúp hồi sinh cho 24 cuộc đời khác, viết tiếp câu chuyện về cuộc sống và lan tỏa những hành động tốt đẹp của người bệnh và gia đình người bệnh; 7 ca ghép tạng thành công trong một năm tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ là 7 sự kiện đánh dấu sự phát triển chuyên môn, trách nhiệm và lòng nhân ái cao cả.

Thăm khám bệnh cho thân nhân của người hiến tạng (ảnh: Minh Quang).
Thăm khám bệnh cho thân nhân của người hiến tạng. Ảnh: Minh Quang.

Theo ThS.DS Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam: Những người đã dũng cảm lựa chọn hành động vì sự sống của người khác – những người đã đăng ký hiến mô, tạng; những gia đình đã động viên ủng hộ người thân hiến mô, tạng chính là một quyết định đầy nhân văn và yêu thương.

Vừa qua, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã đồng hành cùng Hội vận động hiến mô tạng, bộ phận cơ thể người, triển khai nhiều chương trình truyền thông và vận động tại các trường đại học, bệnh viện, khu dân cư, nơi mà tinh thần tình nguyện, chia sẻ và trách nhiệm xã hội được nuôi dưỡng mạnh mẽ.

Ông Tú cho biết, thời gian tới, tổ chức Đoàn Hội xin cam kết sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới truyền thông, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trong thanh thiếu niên, sinh viên – để hiến mô, tạng không còn là điều xa lạ hay khó nói, mà trở thành một phần tự nhiên trong suy nghĩ của người trẻ. Bởi chỉ khi sự sống được trao truyền bằng tình yêu thương, xã hội mới thực sự nhân văn và phát triển bền vững.

Theo thông tin từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nếu như năm 2024 có 41 ca hiến tạng được coi là “kỷ lục Việt Nam", hiện kỷ lục này sắp được vượt qua. Từ đầu năm 2025 đến nay số ca hiến chết não đã gần 30 ca. Với sự nỗ lực từ nhiều hướng, số ca hiến tạng từ người cho chết não tại Việt Nam đang dần được cải thiện đáng kể trên bản đồ ghép tạng thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tri ân gia đình người hiến tạng- lan tỏa nghĩa cử 'Cho đi là còn mãi'